Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xử lý nợ theo tiêu chuẩn mới, ngân hàng khoẻ lên

Nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đang nằm ở mức 2 – 3%, theo cách phân loại nợ hiện hành. Khi áp dụng phân loại nợ theo tiêu chuẩn mới, tỷ lệ nợ xấu tăng lên, từ thực tế ở ba ngân hàng.


Do chịu nhiều áp lực, cổ phiếu ngân hàng đã trượt dốc dài từ cuối năm 2009 đến nay. Ảnh: Lê Quang Nhật

Đưa nợ xấu ra ánh sáng

Ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nhiều lãnh đạo ngân hàng lo lắng nợ xấu sẽ gia tăng khi áp dụng cách phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn mới. Theo ông, bình quân nợ xấu toàn ngành ở tỷ lệ 2 – 3%, nhưng tỷ lệ này cao hơn ở một số “mắt xích yếu trong hệ thống ngân hàng”.

Đến nay, VCB, BIDV và Agribank là ba ngân hàng thực hiện phân loại nợ theo chuẩn mới này.

VCB áp dụng từ tháng 4, nợ xấu dự kiến sẽ tăng từ 2,47% trong năm 2009 lên 3,5% trong năm nay.

Năm 2005 BIDV còn thực hiện phân loại nợ theo chuẩn cũ, với tỷ lệ nợ xấu là 12,47%. Áp dụng theo chuẩn mực quốc tế do kiểm toán quốc tế thực hiện, nợ xấu vọt lên mức 31%. Nhưng hai năm kế tiếp, BIDV đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ mức 9,6% xuống còn 3,9%.

Theo các thông tin đã được công bố, năm 2008, Agribank áp dụng chuẩn mới nợ xấu ở mức 2,7% so với mức 1,9% năm 2006.

Theo TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa kinh doanh đại học Ngân hàng TP.HCM, chính việc áp dụng tiêu chuẩn mới trong phân loại nợ đã giúp đưa nợ xấu của ngân hàng ra ánh sáng.

“Thuốc đắng dã tật”

Khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên, đồng nghĩa với việc ngân hàng phải trích lập dự phòng tăng, ảnh hưởng tới lợi nhuận. Do không có quy định, hướng dẫn của ngân hàng Nhà nước về cách xếp hạng tín dụng nội bộ, các ngân hàng đã tự xây dựng hệ thống này theo cách riêng. Điều này tạo sự không thống nhất trong quản lý chất lượng tín dụng giữa các ngân hàng, khiến ngân hàng Nhà nước khó khăn trong quản lý. Đó là lý do cơ quan này phải soạn dự thảo quy định về phân loại nợ theo chuẩn mới nhằm kiểm soát chất lượng hoạt động tín dụng, quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng, quy định về thông tin tín dụng,... mà ngân hàng Nhà nước dự kiến ban hành giữa tháng 7 tới. Được biết, Ernst & Young Việt Nam là một trong những đơn vị tư vấn cho dự thảo này. Vì vậy, để đi sát với quy định mới, vài ngân hàng như TienPhongBank, Sacombank… đã nhờ công ty này tư vấn xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.

Bản thân các ngân hàng cũng sẽ góp vốn, chia sẻ thông tin để lập trung tâm thông tin tín dụng doanh nghiệp tư nhân, nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, bên cạnh trung tâm thông tin tín dụng của ngân hàng Nhà nước (CIC).

Theo ông Lê Thẩm Dương, các ngân hàng phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn mới cũng giống như “uống thuốc”, những khoản nợ xấu được “định dạng” lại, bộc lộ rõ hơn, tỷ lệ nợ xấu tăng, nhưng không có nghĩa là ngân hàng hoạt động yếu đi, mà là đang tự giúp mình khoẻ mạnh hơn.

Hai cách phân loại nợ

Theo TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa kinh doanh đại học Ngân hàng TP.HCM, trong quyết định phân loại nợ xấu ban hành năm 2005, thì ngân hàng có thể chọn phân loại nợ theo hai cách:

Cách thứ nhất được hầu hết các ngân hàng áp dụng: phân loại nợ dựa vào thời gian quá hạn và số lần cơ cấu khoản nợ, từ đó chia thành năm nhóm, từ mức đủ tiêu chuẩn cho tới mức nợ có khả năng mất vốn. Thí dụ, nợ quá hạn dưới 90 ngày thì đưa vào nợ cần chú ý, nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày đưa vào nhóm nợ nghi ngờ. Cách p hân loại như vậy, theo các chuyên gia tài chính và kiểm toán, khi đối chiếu với chuẩn mực kế toán quốc tế, không phản ánh đầy đủ khả năng thu hồi vốn.

Cách thứ hai, khi phân loại nợ, ngân hàng phải xây dựng được hệ thống đánh giá tín dụng doanh nghiệp nội bộ. Với cách xếp hạng này, ngân hàng sẽ chủ động đánh giá được doanh nghiệp trước khi cho vay. Chẳng hạn, nếu đối tượng doanh nghiệp được cho vay là thuộc nhóm có rủi ro cao, thì khoản cho vay đối tượng này cũng phải được xếp vào loại nợ có rủi ro cao, chứ không chờ đến khi rủi ro xảy ra.

(Theo Hồng Sương // SGTT Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!