Tính đến năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cử 10 cán bộ đại diện làm công tác xúc tiến đầu tư tại một số nước có tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Các tỉnh, thành cũng bỏ tiền tổ chức nhiều hội nghị tại nước ngoài để kêu gọi đầu tư. Thế nhưng hiệu quả thu về không như mong đợi.
Chưa gặp nhau
Qua trao đổi kinh nghiệm xúc tiến đầu tư (XTĐT) tại tỉnh Bình Dương ngày 27-12, giữa các đại diện cơ quan XTĐT của Việt Nam ở nước ngoài với các ngành, địa phương khu vực phía Nam, nổi lên một điều là sự thiếu liên kết.
Tại hội nghị, một đại diện của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết ngoài thế mạnh về du lịch, tỉnh này đang quan tâm nhiều hơn đến công nghiệp phụ trợ và hiện đã quy hoạch được tám khu công nghiệp, nhưng không có khách hàng. Do đó, tỉnh đang muốn kêu gọi đầu tư vào đây, và các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản là những đối tượng mà tỉnh nhắm đến.
Khi nghe nói như vậy, bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Tham tán đầu tư thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, tỏ ra hết sức ngạc nhiên. “Tôi nghe anh nói Bình Thuận có tám khu công nghiệp nhưng không biết khu công nghiệp của Bình Thuận như thế nào. Tôi đã ở đây được một tháng nhưng ngoài khu du lịch ra, tôi chưa thấy khu công nghiệp, nên không biết kêu gọi đầu tư vào đây như thế nào. Nhiều lần tôi đề nghị, nhưng không thấy các đồng chí yêu cầu hỗ trợ gì”, bà Hiền cho biết. Nhân tiện, bà Hiền cũng kêu gọi các tỉnh, thành nên gửi thông tin cập nhật về các dự án kêu gọi đầu tư cho các đại diện phụ trách xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Ngoài ra, bà Hiền cũng đề nghị các tỉnh nêu rõ những điểm yếu của địa phương để bà có thể hỗ trợ tìm nhà đầu tư thích hợp vì “ta không thể giấu các nhà đầu tư được, họ vẫn truyền miệng nhau đấy thôi”. Theo ông Giang Thanh Tùng, Tham tán kinh tế phụ trách đầu tư của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), phần lớn danh mục dự án kêu gọi đầu tư của trung ương và địa phương đến nay là cho giai đoạn 2006-2010. Do đó, các địa phương nên loại ra những dự án đã được cấp phép hoặc đã có đối tác, và ban hành danh mục mới. Ngoài ra, các cán bộ xúc tiến đầu tư cũng đề nghị các tỉnh lập hồ sơ cho từng dự án, và tốt nhất nên bằng ngôn ngữ của đối tác, như tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, một số tỉnh lại không biết một hồ sơ chuẩn là như thế nào. Chính bà Nguyễn Thị Bích Vân, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), cũng thừa nhận là Việt Nam không có mẫu cho các hồ sơ dự án, đặc biệt đối với những dự án lớn như cầu, cảng. Ngoài ra, nhiều tỉnh còn chưa biết hết vai trò, cách liên hệ và làm việc với cán bộ XTĐT đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cũng như không biết đâu là những hỗ trợ miễn phí từ các đại sứ quán của Việt Nam. Thực tế, các đại sứ quán đều có quỹ ngoại giao kinh tế được dùng để tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cho những tỉnh có khó khăn. Cụ thể, theo ông Tùng, đại diện XTĐT của Việt Nam tại Mỹ, quỹ này có thể được dùng để mua thông tin từ nước ngoài, nhằm hỗ trợ các tỉnh thành xác minh một doanh nghiệp nào đó tại Mỹ. Hay đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ có thể hỗ trợ cán bộ (không cần trả phí) để đi theo các đoàn của Việt Nam qua kêu gọi đầu tư, hoặc giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các ngân hàng của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Tùng, để được hưởng quyền lợi này thì các tỉnh hay công ty phải “có công văn yêu cầu cụ thể đến sứ quán và người của sứ quán chỉ tham gia đoàn khi lịch làm việc cho phép”. Hội nghị XTĐT tràn lan Theo bà Vân, phong trào XTĐT của các tỉnh đang nở rộ, nhưng lại xảy ra hiện tượng chồng chéo, dồn dập tại một số địa điểm. “Ví dụ tại Hàn Quốc, trong một tháng có tới hai hội nghị XTĐT của Việt Nam diễn ra tại một thành phố. Tại Nhật Bản, trong cùng một khách sạn, có tới ba đoàn Việt Nam đến cùng lúc, trong đó có đoàn của Bộ Công Thương và của một địa phương, nên không hiệu quả và lãng phí”. Đại diện của nhiều tỉnh cũng cho biết họ tổ chức nhiều hội thảo xúc tiến đầu tư tại nhiều nước rất tốn kém nhưng hiệu quả không bao nhiêu. Nguyên nhân là do việc kêu gọi đầu tư chung chung, ví dụ như các tỉnh, thành cứ kêu gọi đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, nhưng không xác định cụ thể là đầu tư vào cái gì. Vì vậy, dù hội thảo có quy mô lớn nhưng chẳng đem lại hiệu quả. Ngoài ra, theo bà Vân, có những hội nghị tới vài trăm người, nhưng người tham dự chủ yếu là những nhân viên không có đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định đầu tư. Do đó, bà Vân kêu gọi các đại diện XTĐT của Việt Nam ở nước ngoài nên mời những người có thẩm quyền đến tham dự và cũng nên đến tận “tổng hành dinh” của doanh nghiệp nước sở tại để làm việc trực tiếp. Ông Tùng đề xuất thay vì tổ chức hội nghị tràn lan, nên tăng cường hình thức tiếp xúc, vận động riêng với các công ty có thế mạnh về tài chính và công nghệ. Để vận động được các tập đoàn lớn, thậm chí phải có chính sách riêng, kể cả những cam kết ở cấp cao. Theo các cán bộ XTĐT đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tình hình kinh tế các nước đối tác đầu tư hiện khá khả quan và Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư của nhiều nước và lãnh thổ, như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, một số vấn đề về môi trường đầu tư như tình trạng thiếu điện, thiếu lao động, những bất ổn vĩ mô và các ưu đãi đang mất dần... đang làm giảm sự hấp dẫn của Việt Nam. Hiện có 10 đại diện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cử đi làm công tác XTĐT ở các nước, gồm Mỹ, Nhật (2 cán bộ), Pháp, Đức, Ảrập Xê út, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc.
( Tác giả: Thu Nguyệt // Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com