Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sức mạnh của đồng JPY

Trong các phiên giao dịch gần đây, đồng Yên - JPY liên tục lập những kỷ lục mới và duy trì dao động ở mức giá rất cao bất chấp việc chính phủ Nhật tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tuyên bố thiết lập một quỹ trị giá 100 tỷ USD để ứng phó với sự tăng giá của đồng JPY. 

Đồng JPY có thể sẽ tiếp tục tăng giá so với VND nếu JPY tăng giá so với USD và tỷ giá USD/VND tăng. (ảnh: diễn biến và dự đoán đồng JPY so với USD từ tháng 6/2009 - 12/2011).

Tại sao đồng JPY tăng giá mạnh mẽ trong bối cảnh nước Nhật đang phải gánh chịu các khoản nợ công khổng lồ và tăng trưởng kinh tế yếu ớt?

Đồng tiền đặc biệt

Có thể thấy đồng JPY mạnh là dấu hiệu đặc trưng của thặng dư thương mại, chính xác hơn nó gắn với thực tế Nhật là một trong những nền kinh tế có mức thặng dư đầu tư quốc tế cao nhất thế giới, có nghĩa là các nhà đầu tư Nhật sở hữu các tài sản ở nước ngoài cao hơn các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu các tài sản ở Nhật. Chỉ tính trong năm 2010, Nhật đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới với mức thặng dư đầu tư hơn 3.000 tỉ USD, xếp trên Trung Quốc với 2.200 tỉ USD và Đức với 1.200 tỉ USD.  Xem xét đồng tiền của năm quốc gia có mức thặng dư đầu tư quốc tế lớn nhất thế giới, dễ thấy rằng đồng JPY và đồng Franc Thụy Sỹ (CHF) có thanh khoản cao nhất do đây là hai trong số năm đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới (đồng USD, Euro, JPY, bảng Anh, CHF), nhưng thanh khoản của đồng JPY cao hơn do Nhật đang là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, trong khi đồng RMB của Trung Quốc, đồng Riyal của   Saudi Arabia định giá cố định và không tự do chuyển đổi, đồng Mác Đức thì không còn lưu hành.

Một điểm chú ý nữa là đồng JPY nằm trong “tầm ngắm” của giới đầu cơ tiền tệ quốc tế có thể xuất phát từ việc đồng USD ngày càng đánh mất dần vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới khi nhiều NHTW và nhà đầu tư bán bớt đồng USD để đa dạng hóa khối dự trữ ngoại hối vì lo ngại các chính sách “nới lỏng số lượng” gần đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trong khi đồng Euro thì có nguy cơ “sụp đổ” do khủng hoảng nợ công Châu Âu có dấu hiệu lan rộng.

Mặc khác, áp lực tăng giá của đồng JPY một phần còn xuất phát từ sự chênh lệch về lãi suất giữa đồng JPY với các đồng tiền khác trên thế giới. Đồng JPY là một trong những đồng tiền có lãi suất thấp nhất thế giới, hiện lãi suất đồng JPY được BoJ quy định ở mức siêu thấp là 0,1%, trong khi đồng USD là 0,25%, đồng bảng Anh là 0,5%, đồng Euro là 1,5%, đồng AUD là 4,75%. 

Theo Trung tâm Dự báo Tài chính (Financial Forecast Center), đồng JPY có thể sẽ giảm về mức 80 JPY/USD trong tháng 9/2011 và dao động trong khoảng 80-86 JPY/USD từ nay cho đến tháng 3/2012.

Tuy nhiên, Tsuyoshi Ueno - nhà kinh tế cấp cao thuộc Học viện Nghiên cứu NLI tại Tokyo nhận định, “Áp lực tăng giá đối với đồng JPY có khả năng tiếp tục trong thời gian tới, và thậm chí giá trị đồng JPY dù có yếu đi tạm thời, thì cũng không thay đổi được một thực tế mỗi khi nền kinh tế thế giới khó khăn, đồng JPY sẽ trở nên mạnh lên”. Đó là một thực tế nghịch lý mà chỉ xảy ra đối với nước Nhật và đồng JPY.

Xu hướng tỷ giá VND/JPY

Việc đồng JPY đang tăng giá mạnh mẽ trên thị trường quốc tế cũng tác động không nhỏ đến tỷ giá VND/JPY. Theo đó, đồng JPY đã tăng giá 5,79% so với đồng VND trong vòng 3 tháng gần đây. Nếu tính từ đầu năm đến nay, đồng JPY đã tăng 13,7% so với đồng VND, riêng trong tháng 8 là 1,62%. Trong thời gian tới, tỷ giá VND/JPY sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

Thứ nhất, biến động của cặp tỷ giá JPY/USD và tỷ giá USD/VND. Đồng VND hiện đang được định giá cao khoảng 17 - 23% trong tương quan với 19 đồng tiền có quan hệ thương mại với VN. Những biến động trên thị trường vàng vừa qua, mà hệ quả là NHNN buộc phải điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng lên 10 VND/USD, cũng như tín dụng USD sắp tới kỳ đáo hạn có thể gây căng thẳng tỷ giá USD/VND và tạo áp lực giảm giá trị lên đồng VND. Trong khi đó, đồng JPY đang có xu hướng tăng giá so với đồng USD trên thị trường thế giới. Vì vậy, có thể thấy đồng VND đang phải chịu tình trạng mất giá kép so với đồng JPY.

Thứ hai, cán cân thương mại giữa VN và Nhật. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm này, cán cân thương mại của VN đối với Nhật thâm hụt 283 triệu USD, bằng 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu giữa VN và Nhật. Nhật vẫn đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của VN, sau TQ và Hoa Kỳ, vì vậy khả năng nhập siêu từ Nhật sẽ tiếp tục duy trì khi mà nhu cầu của người dân tăng cao vào dịp cuối năm.

Thứ ba, mức lạm phát đối với nền kinh tế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lạm phát đã lên đến 23% trong 08 tháng đầu năm 2011. Như vậy, tốc độ trượt giá của đồng VND so với đồng JPY (13,7%) không theo kịp tốc độ tăng lạm phát (23%), và chênh lệch này là khá lớn. Hơn nữa, sức mua của đồng VNĐ giảm sẽ thúc đẩy người dân chuyển sang nắm giữ các loại ngoại tệ mạnh (trong đó có đồng JPY). Điều này cũng có thể gây áp lực lên tỷ giá JPY/VND.

Những yếu tố ở trên cho thấy đồng JPY sẽ tiếp tục tăng giá so với đồng VND trong thời gian tới. Tuy nhiên, với tình trạng “đôla hóa” nền kinh tế như hiện nay, người dân giao dịch hàng hóa, dịch vụ, sở hữu tài sản bằng ngoại tệ ngày càng gia tăng, thì mức độ tăng giá có căng thẳng hay không chủ yếu xuất phát từ diễn biến của đồng JPY trên thị trường thế giới, cũng như xu hướng sắp tới của tỷ giá USD/VND. Nếu đồng JPY tiếp tục tăng giá so với đồng USD, và tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng (đồng USD tăng giá) thì áp lực tăng giá của đồng JPY sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, ngược lại tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm hoặc ổn định (đồng USD giảm giá) thì mức độ này sẽ nhỏ hơn nhiều.

Trần Quốc Phương Duy// Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

 ---------------------------------------------------------------

Các đồng tiền châu Á thi nhau mất giá

Các đồng tiền của châu Á đang hướng tới tuần mất giá mạnh nhất kể từ năm 1998 do tác động từ sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Một số ngân hàng trung ương trong khu vực vì thế đã tiến hành can thiệp để ngăn chặn sự suy giảm tỷ giá này.

Hãng tin Bloomberg cho biết, chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index - thước đo sức mạnh của 10 đồng tiền châu Á được giao dịch nhiều nhất, không bao gồm đồng Yên Nhật - đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng vào ngày hôm qua (22/9).

Những thông tin gây sức ép giảm giá cho các đồng tiền này bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhận định hôm 21/9 rằng, kinh tế Mỹ đang đối mặt những rủi ro lớn. Thêm vào đó, thống kê từ Trung Quốc cũng cho thấy, số đơn đặt hàng xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của nước này giảm xuống.

Tính đến trưa nay, tỷ giá đồng Won của Hàn Quốc so với USD đã giảm 6,8% so với cách đây 1 tuần - mức giảm mạnh nhất từ tháng 2/2009, tỷ giá đồng Rupee của Ấn Độ giảm 47,%, tỷ giá Đôla Đài Loan giảm 3,5% - mạnh nhất từ năm 1998, đồng Ringgit của Malaysia giảm 3,1%...

“Những lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu đang gia tăng, khiến các nhà đầu tư ngày càng trở nên lo ngại rủi ro. Điều này ảnh hưởng bất lợi tới triển vọng xuất khẩu của châu Á, đồng thời gây áp lực giảm giá đối với các đồng tiền trong khu vực. Một số ngân hàng trung ương đã can thiệp vào thị trường, nhưng áp lực giảm tỷ giá vẫn còn khá mạnh”, ông Kozo Hasegawa, một nhà giao dịch thuộc Sumimoto Mitsui Banking ở Bangkok, nhận định.

Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng Won. Trước đó, vào ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Indonesia tuyên bố sẽ tiếp tục có động thái can thiệp khi cần thiết, giúp đồng Rupiah có thời điểm tăng giá 2% trong ngày hôm nay.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, trong tuần tính đến ngày hôm qua, các quỹ đầu tư toàn cầu đã bán ròng số cổ phiếu trị giá tổng cộng 1,4 tỷ USD trên các thị trường Indonesia, Hàn Quốc và Đài Loan. Cùng với đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 4% từ mức 4,3% trước đó, năm tới còn 4% từ mức 4,5%, đồng thời cảnh báo những hậu quả tồi tệ nếu châu Âu không thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng nợ.

Một lý do nữa khiến các đồng tiền châu Á mất giá là đồng USD đang được giới đầu tư quốc tế xem như một “vịnh tránh bão” hàng đầu.

“Đồng Won giảm giá mạnh vì thị trường lo sự suy giảm tăng trưởng ở Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ tác động xấu tới thanh khoản USD trên thị trường. Giới đầu tư đang lo sợ và phản ứng có phần thái quá”, ông Sam Hong, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược tiền tệ tại ngân hàng Shinhan Bank ở Seoul, nói.

An Huy// VNeconomy

  • Khi khách hàng tốt... không chịu vay
  • Nóng tỷ giá “chợ đen”, khi nào can thiệp?
  • Đường đi mới của tỉ giá và lãi suất
  • Căng thẳng tỷ giá chỉ mang tính nhất thời
  • Chính sách tiền tệ: Món ngon khó nấu!
  • Đường cong lãi suất bị bẻ thẳng: Dấu hiệu bất ổn tiền gửi
  • Hết thời lãi suất cao, đua rút tiền tiết kiệm
  • Sứ mệnh nào cho lãi suất?
  • Doanh nghiệp chọn vay USD hay VND?
  • Ai nắm giữ vàng nhiều nhất thế giới?
  • Hạ lãi suất, doanh nghiệp chưa vội “thở phào”
  • Vai trò lãi suất thực âm
  • Lạm phát cao, lãi suất có giảm ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!