20 năm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã góp phần hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phát triển một bước dài và trở thành đầu tàu của nền kinh tế đất nước. Từ nguồn vốn FDI này đã hình thành Khu chế xuất Tân Thuận, khởi nguồn cho sự phát triển thành công của các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN); hình thành nên Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng để phát triển thành phố về phía Nam và ra biển Đông…
FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
![]() |
Lắp ráp linh kiện tại Công ty TNHH MTEX Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN |
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, trong 20 năm qua, thành phố đã có 3.141 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 25,68 tỷ USD. Có thể chia làm 4 giai đoạn trong 20 năm thu hút FDI của thành phố. Thời kỳ 1988-1996 là giai đoạn thăm dò và tăng dần mức độ tăng trưởng. Cũng giai đoạn này đã hình thành các KCX, KCN như Tân Thuận, Linh Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp FDI hoạt động. Giai đoạn này cũng khởi nguồn cho sự hình thành Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng mà giờ đây đã trở thành khu đô thị kiểu mẫu của Việt Nam. Tiếp đó, từ năm 1997-2000 là giai đoạn sụt giảm mạnh FDI do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực Đông Nam Á 1997-1998. Giai đoạn 2001-2005 là thời điểm phục hồi và phát triển. Tiếp đến, năm 2006-2008 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Riêng năm 2008, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng số 542 dự án (DA) được cấp phép, tổng vốn đầu tư 8,456 tỷ USD. Đây cũng là năm thành phố thu hút được nhiều DA quy mô lớn, như DA đầu tư sản xuất vi mạch điện tử của Tập đoàn Intel với 1,4 tỷ USD; DA Khu đô thị đại học quốc tế Berjaya của Ma-lai-xi-a với vốn đăng ký 3,5 tỷ USD; DA Khu công viên phần mềm Thủ Thiêm với vốn đăng ký 1,2 tỷ USD… Các quốc gia và vùng lãnh thổ có nguồn vốn FDI nhiều nhất là Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
FDI cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP, làm cho công nghiệp và dịch vụ trở thành hai trụ cột chính của kinh tế thành phố. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, làn sóng FDI bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào các ngành công nghệ cao như viễn thông và chế tạo chíp bán dẫn, mở ra nhiều triển vọng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố trong những năm về sau.
5 góp ý cho thành phố
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cải thiện trong thu hút FDI những năm qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI mong muốn thành phố đẩy nhanh hơn nữa cơ sở hạ tầng (CSHT) và giảm hơn nữa thủ tục hành chính. Như vậy, trong 20 năm tới thành phố sẽ thuận lợi hơn trong thu hút FDI và đạt kết quả nhanh hơn.
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thu hút FDI tổ chức ngày 27-6 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao những nỗ lực bền bỉ và quyết tâm của thành phố trong suốt 20 năm qua. Phó Thủ tướng lưu ý 5 vấn đề mà thành phố phải làm tốt hơn nữa trong thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI. Thứ nhất, cần đánh giá sâu sắc hơn nữa mục đích và hiệu quả của dòng vốn FDI, về tính phù hợp của FDI với quy hoạch, với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp thu được công nghệ và cách quản lý của các doanh nghiệp đa quốc gia ở mức nào... Hai là về cải cách hành chính (CCHC). Cần phải xem lại toàn bộ chuỗi CCHC, phân tích những nội dung cụ thể để có những con số cụ thể, từ đó gạn lọc ra những gì cần và những gì không cần để có những cải tiến tốt hơn. Ba là về CSHT còn yếu kém. Thực trạng cho thấy, không làm được bởi quy hoạch không có, DA chưa chuẩn bị hoặc chuẩn bị không đạt chất lượng, không có vốn, không có cơ chế thu hút vốn tư nhân vào CSHT hoặc có nhưng không đồng bộ… Khi xây dựng được CSHT rồi thì tính đồng bộ quá yếu kém, làm hiệu quả DA bị giảm đi, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Bốn là thực trạng vốn đăng ký nhiều nhưng giải ngân ít. Cần tìm cách khắc phục những vướng mắc không đáng có để đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn FDI bởi nếu "đăng ký lớn nhưng giải ngân chậm sẽ làm kế hoạch chúng ta bị đảo lộn". Cuối cùng, vấn đề thứ năm là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.
"Đầu tư nước ngoài là giải pháp hai bên cùng có lợi, nếu nhà đầu tư nước ngoài không thành công ở Việt Nam thì chúng ta cũng không đạt hiệu quả vì mục tiêu của chúng ta trong thu hút FDI không đạt được. Đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, nơi đang được kỳ vọng lớn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn, hàm lượng quản lý cao hơn. Vì vậy, phải tạo thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn để các nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện tham gia đầu tư vào Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
(Theo Đặng Loan // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com