Bắt đầu từ tuần tới, Đoàn khảo sát cơ hội đầu tư của các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ do Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Cục Đầu tư nước ngoài) thực hiện sẽ bắt đầu hành trình xuyên Việt.
Điều đặc biệt của hoạt động này là các đại diện đầu tư ở nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trực tiếp tham gia đoàn công tác. Sẽ có những đề xuất vận động, thu hút đầu tư nước ngoài từ các đối tác trọng điểm như các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… cho các khu vực còn khá trống về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) này.
Cũng ngay trong quý I/2009, Thanh Hoá sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên gồm du lịch, trồng rừng, chế biến nông-lâm-thuỷ sản… Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, địa phương đã sẵn sàng cho các kế hoạch giao đất sạch cho các nhà đầu tư, thực hiện cam kết đầu tư hạ tầng tới các khu du lịch…, để đảm bảo nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thanh Hoá không đặt ra những con số cụ thể về thu hút vốn FDI, mà đặt ra các kế hoạch để đảm bảo số vốn đăng ký của các nhà đầu tư nhanh chóng trở thành vốn thực hiện. Hiện tại, một số nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thanh Hoá. Chúng tôi sẽ không bỏ lỡ cơ hội đầu tư nào phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Hiển cho biết.
Rõ ràng, ngay sau sự đồng thuận của Thủ tướng Chính phủ về 8 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục thu hút, thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đệ trình, những động thái tích cực đã bắt đầu xuất hiện. Một xu hướng khá rõ ràng là sự tập trung trong vận động thu hút nguồn vốn FDI theo cả đối tác và lĩnh vực thu hút. Điểm yếu về dàn trải và thu hút đầu tư bằng mọi giá mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhắc tới trong Cuộc họp Chính phủ tháng 1/2009 đang được các địa phương, các tổ chức xúc tiến đầu tư chủ động thực hiện giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong công tác xúc tiến đầu tư, một trong 8 nhóm giải pháp quan trọng, theo các chuyên gia xúc tiến, lại chính là hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, cũng như các điều kiện để triển khai các dự án đầu tư một cách thông suốt. Ông Hiển cho rằng, vướng mắc nhất trong triển khai các dự án, trong đó có cả các dự án FDI, ở địa phương là các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng.
Phải khẳng định rằng, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến khá nhiều dự án FDI thời gian qua chậm tiến độ. Báo cáo kết quả cuộc khảo sát tình hình thực hiện các dự án FDI trên cả nước do Cục Đầu tư nước ngoài thực hiện cuối năm ngoái đã cho thấy, hầu hết các địa phương đều vướng vào rào cản này. Thậm chí, nhiều địa phương đang lâm vào trình trạng khó khăn trong việc bố trí đủ đất cho các dự án quy mô lớn như đã cam kết trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhất là các dự án FDI quy mô lớn, các dự án 100% vốn nước ngoài.
Cũng cần thấy rằng, trên thực tế, nút thắt khó gỡ về mặt bằng không chỉ là do tâm lý e ngại nhà đầu tư không triển khai dự án đúng tiến độ sẽ làm ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, nên nhiều địa phương không mặn mà trong thực hiện cam kết của chính mình với nhà đầu tư, mà còn do tình trạng một số dự án có sự kê khai vốn đăng ký và nhu cầu sử dụng đất lơn hơn so với nhu cầu thực tế. Việc khai tăng nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư sẽ tạo ra áp lực lớn cho Nhà nước về tài chính cũng như các vấn đề xã hội trong quá trình giải phóng mặt bằng khu vực dự án.
Khía cạnh gây lãng phí nguồn lực về đất đai của quốc gia vốn ngày càng hạn hẹp dần cũng đang được cảnh báo mạnh mẽ. Trong nhóm giải pháp về giải phóng mặt bằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành ngay các thủ tục thu hồi đất và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án FDI không có khả năng triển khai hoặc chưa có kế hoạch sử dụng hết diện tích đất đã được giao, để chuyển cho các dự án đầu tư mới có hiệu quả hơn.
Yếu tố chủ động và tích cực trong thực hiện cam kết của các địa phương đang có vị trí rất quan trọng trong nỗ lực thực hiện mục tiêu giải ngân 12 tỷ USD vốn FDI trong năm 2009, nhất là khi Chính phủ cũng đã đồng thuận với đánh giá rằng, thực tế thực hiện việc phân cấp trong hơn 2 năm vừa qua đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, không phù hợp, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung.
Theo thông tin mới nhất, Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài đang được hoàn thiện. 8 nhóm giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ sẽ được giao cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
(Theo Đầu Tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com