Các nhà đầu tư Nhật Bản đang có cái nhìn lạc quan về triển vọng làm ăn ở Việt Nam.
Kết quả cuộc điều tra mới đây của cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, 58% doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh ở Việt Nam mong muốn mở rộng quy mô. Con số này, cao hơn mức trung bình trên mặt bằng ASEAN, thực sự là một dấu hiệu đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong đó có Nhật Bản, vẫn chưa thực sự vượt qua khủng hoảng. Koichi Hori, chủ tịch hội đồng quản trị Dream Incubator Vietnam cũng đã nêu ra thành công lớn của một loạt doanh nghiệp như Ajinomoto, Escock, Napkin…
Doanh nghiệp Nhật lo ngại khó tìm đối tác cung cấp phụ kiện. Ảnh: Huỳnh Phan |
Lo ngại thủ tục và cơ sở hạ tầng
Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, sự ổn định về chính trị – xã hội vẫn tiếp tục là lợi thế lớn nhất (64,5% chọn tiêu chí này). Tiếp đó, là quy mô và triển vọng phát triển của thị trường Việt Nam (47,8%), và chi phí lao động rẻ (37,7%). Bên cạnh đó, hạn chế lớn nhất được nêu ra là sự phức tạp của thủ tục hành chính (67,2%). Tiếp theo là cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện (66,4%). Nhóm cuối cùng (49,6%) tỏ ý quan ngại về việc cách vận hành chính sách của Việt Nam còn chưa thật rõ ràng.
Báo cáo điều tra này đươc JETRO công bố tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam”, do chính cơ quan này đứng ra tổ chức ở Tokyo hồi cuối tháng 2.2010. Hội thảo này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các nhà kinh doanh, đầu tư Nhật, đang, hoặc dự định, làm ăn ở Việt Nam. Các tham luận, các chuyên gia kinh tế và doanh nhân Nhật đang làm ăn ở quốc gia Đông Nam Á này, đã tập trung phân tích những lợi thế và nhược điểm nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Chưa tạo sức mạnh kinh tế tổng thể
Trong khi, các diễn giả gần như không tìm thấy những lợi thế so sánh mới, thì những nhược điểm, qua con mắt của họ, hay khuyến cáo, khuyến nghị của họ, rất đáng để các nhà hoạch định chính sách và cả giới doanh nghiệp Việt Nam suy ngẫm, hoặc tham khảo.
Ông Akira Hirano, giám đốc đầu tư hải ngoại của Acecook, đã chỉ ra năm yếu kém căn bản của Việt Nam. Đó là: hệ thống quản lý chất lượng yếu; hệ thống phân phối thiếu đồng bộ (có những nơi còn chưa hình thành); cách làm việc thiếu khoa học, hiệu quả và minh bạch của các đại lý và doanh nghiệp bán lẻ; phương thức bán hàng, quảng bá và tiếp thị còn đơn điệu. Riêng nhược điểm cuối cùng của các đồng nghiệp Việt Nam liên quan đến chất lượng thấp của thực phẩm ăn liền (mì, phở, bún, bột ngọt, bột nêm…), ông Akira Hirano lại cho là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong khi đó Hirota Nakanishi, chuyên gia tư vấn đầu tư nước ngoài của JETRO tại TP.HCM, lại tập trung phân tích Việt Nam với tư cách một cơ sở sản xuất và một thị trường tiêu thụ. Có ba nhược điểm chính được ông nêu ra.
Thứ nhất, đó là sự trống vắng của công nghiệp phụ trợ, khiến cho quá trình nội địa hoá linh phụ kiện, cần thiết cho sản xuất và lắp ráp, trở nên khó khăn. “Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm bị đội lên cao, và, quan trọng hơn, là sự lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài”, ông Nakanishi nhấn mạnh. Thứ hai, giá cả liên tục biến động, chủ yếu là tăng, cũng bị coi là một điểm bất lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba, khoảng cách quá xa giữa hai trung tâm kinh tế Hà Nội và TP.HCM, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông yếu kém, đã được cho là nguyên nhân làm yếu đi mối liên kết cần thiết để tạo sức mạnh kinh tế tổng thể.
Doanh nghiệp Nhật để mắt khâu phân phối
“Việt Nam là một hướng đầu tư hấp dẫn hơn cả Trung Quốc”, Koichi Hori, chủ tịch hội đồng quản trị Dream Incubator Vietnam |
Đặc biệt, ông Nakanishi còn đề cập một khía cạnh tương đối tế nhị là “những khoản chi phí mềm” trong lĩnh vực bất động sản, và nhận định rằng, với những ràng buộc pháp luật chặt chẽ của Nhật Bản, những “chi phí mềm” này bị coi là hối lộ hoặc tham nhũng. “Do đó, ưu thế sẽ nghiêng về các doanh nghiệp của các nước có quy định mềm hơn như Đài Loan, hoặc Hàn Quốc…”, ông Nakanishi nhận xét.
Ông Nakanishi cũng đã đưa ra một số khuyến nghị với các doanh nghiệp Nhật Bản. Thứ nhất, họ nên tập trung vào những phân khúc khách hàng và khu vực tiêu thụ cụ thể, chứ không nên dàn trải. Thứ hai, phải tìm hiểu kỹ thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, vốn hay thay đổi sau từng giai đoạn. Cuối cùng, cần cẩn trọng trong việc chọn đối tác bản địa, bởi đã có những tấm gương nhãn tiền về sự thất bại do bất cẩn.
Giám đốc đầu tư hải ngoại của Acecook lại đưa ra lời khuyên với các nhà sản xuất Nhật muốn nhanh chóng tiêu thụ hàng hoá ở Việt Nam. Theo ông, họ cần giảm dần lượng hàng hoá đưa vào siêu thị, mà thay vào đó lập ra các nhóm bán hàng lưu động xuống địa phương bán tận tay cho người tiêu dùng. Thứ hai là sự cần thiết phải lập kế hoạch kinh doanh cụ thể cho từng quý, và phải linh hoạt thay đổi đối với từng nhóm dân cư. Thứ ba là phải công khai mức giá với lợi nhuận vừa phải để tránh khâu trung gian (các đại lý, nhà bán lẻ địa phương) trục lợi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà sản xuất.
(Theo Tuấn Nhật // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com