Các nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại các thị trường châu Á, khi những dấu hiệu hồi phục kinh tế ngày càng mạnh mẽ hơn ở khu vực này. Thế nhưng sự quan tâm chủ yếu vẫn dồn vào những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, thậm chí Indonesia. Việt Nam, dù có lợi thế hơn một số nước láng giềng, vẫn chưa đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư nước ngoài móc hầu bao.
Gói kích cầu đã kích hoạt nền kinh tế là một thông điệp lạc quan mà VinaCapital đưa ra để thuyết phục nhà đầu tư. Trong ảnh: lượng cầu về thép trong xây dựng cơ bản được duy trì nhờ gói kích cầu của Chính phủ. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Theo quan sát của giới đầu tư trong nước, mối quan tâm đã có tăng hơn. Một số nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nhòm ngó, hỏi han thông tin.
Nhiều tín hiệu tích cực
Chỉ số VN-Index tăng 80% từ đầu năm đến nay cũng là một yếu tố kích thích lớn. Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vẫn còn rất thấp – tổng lượng mua ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có 36 triệu USD. Lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam có lúc lên đến hơn 9.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là các nguồn vốn đầu tư trong nước. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 15% tổng khối lượng giao dịch. Theo một số công ty chứng khoán, có dấu hiệu các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm cơ hội đầu tư một cách thận trọng; các nhà đầu tư Âu – Mỹ chưa có động tĩnh gì ngoài việc tìm hiểu thông tin. VinaCapital, một trong những nhà quản lý quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, tại hội nghị đầu tư tổ chức tại Hà Nội hôm thứ hai vừa rồi, đã cố gắng gởi đến nhà đầu tư những thông điệp lạc quan. Ông Horst Geicke, chủ tịch VinaCapital cho rằng Chính phủ đã có những phản ứng chính sách tốt trong giai đoạn khủng hoảng và gói kích cầu đã kích hoạt nền kinh tế. Lạm phát trong năm nay được cho rằng không phải là vấn đề nghiêm trọng, và nhà đầu tư sẽ nhận thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế từ nay bước vào năm 2010.
Một quan điểm lạc quan khác, từ giáo sư Kenneth Courtis, sáng lập viên của Themes Investment Management và là cựu phó chủ tịch của Goldman Sachs, thì cho rằng Việt Nam có thể được xếp ngay sau những sức hấp dẫn lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Indonesia… Thế nhưng Việt Nam chưa được quan tâm thích đáng, một phần vì thị trường còn quá nhỏ, và một phần vì những rủi ro tiềm ẩn thường dễ xảy ra với những nền kinh tế đang lên. Thực tế là vào thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài hầu như chưa tính đến việc đặt Việt Nam vào danh mục đầu tư của họ. Theo ông Hiroshi Funaki, trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán LCF Edmond de Rothschild có trụ sở tại London, các quỹ đầu tư vào Việt Nam – cho đến nay có tới 40 nhà quản lý quỹ – vẫn gặp khó khăn trong việc gọi vốn, gây quỹ mới. Những quỹ niêm yết như VinaCapital, ngay cả khi có lợi nhuận và giá trị tài sản ròng (NAV) tăng lên, thì chứng chỉ quỹ vẫn đang bị mua bán ở mức giá thấp hơn mức NAV trung bình khoảng 20 – 30%. Gần đây nhất, JSM, một quỹ có quy mô nhỏ đầu tư vào Việt Nam, đang bị một cổ đông ở Mỹ đòi triệu tập cuộc họp bất thường để bãi nhiệm nhà quản lý quỹ.
Nỗi lo từ các yếu tố vĩ mô
Bên cạnh lý do thị trường còn nhỏ và giá đang ở mức tương đối cao, các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích cho rằng kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro khiến cho nhà đầu tư chần chừ, trong đó có vấn đề tỷ giá hối đoái và thâm hụt ngân sách. Đồng Việt Nam yếu và nguy cơ yếu hơn vì khả năng thâm hụt mậu dịch là một lo ngại với không ít nhà đầu tư nước ngoài, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách ở mức 8% GDP hiện nay cũng là một mức cao, và nếu có thâm hụt mậu dịch thì tình trạng có thể trở nên trầm trọng hơn.
Mới đây, ngân hàng Nhà nước đã cho thấy những động thái khắc phục tình trạng trên bằng việc công bố mỗi năm sẽ vay 1 tỉ USD từ Nhật trong vòng ba năm tới. Trước đó, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói với một số báo trong nước rằng Việt Nam có thể sẽ vay 1 tỉ USD từ ngân hàng Thế giới. Các khoản vay này đều nhằm để cân bằng cán cân thanh toán và khắc phục thâm hụt ngân sách.
Giới đầu tư thì kỳ vọng rằng chính phủ sẽ tung ra bán một số tài sản nhà nước, ví dụ như Vietcombank. Họ cho rằng việc cổ phần hoá và niêm yết một số công ty lớn sẽ khiến cho thị trường chứng khoán lớn hơn, dễ đầu tư hơn. Nhìn chung, các công ty sau khi niêm yết thường làm ăn hiệu quả và đóng góp tích cực cho nền kinh tế hơn. Thế nhưng tiến trình cổ phần hoá thời gian qua bị đình trệ vì cuộc khủng hoảng vừa qua khiến giá tài sản giảm nhiều so với thời điểm trước khủng hoảng. Đây cũng là loại quyết định phức tạp, cần sự đồng thuận trong Chính phủ, mà trong thời điểm hiện nay, không dễ được thông qua.
(Theo sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com