Khu vực kinh tế này cũng đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước và các cân đối vĩ mô... Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã trải qua thời kỳ vừa coi trọng số lượng vừa coi trọng chất lượng nguồn vốn FDI. Thế nhưng, giờ đã đến lúc Việt Nam phải giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả đầu tư kể cả vốn đầu tư trong nước và vốn FDI nhằm hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Do vậy, chất lượng phải trở thành tiêu chí hàng đầu trong việc thu hút nguồn vốn "ngoại" này.
"Thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài", đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây đã đưa ra nhận định như vậy. Việt Nam với sự ổn định về chính trị, cơ cấu dân số trẻ (57% dân số trong độ tuổi dưới 30), theo EuroCham đây chính là một ưu điểm lớn so sánh với các nước trong khu vực. Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn với những nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo một đánh giá khái quát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), những nhà đầu tư thông qua tổ chức này để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây đã có sự thay đổi về nhu cầu đầu tư. "Thực tế là quan tâm phát triển hoạt động chế biến, chế tác đã giảm hơn so với giai đoạn trước, trong khi các ngành như xây dựng, phân phối bán lẻ và dịch vụ khác đang được quan tâm ngày càng nhiều", Jetro nhận định.
Theo số liệu của Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), cơ cấu vốn FDI đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2009. Nếu như thời gian đầu, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 85% thì năm vừa qua, khu vực này chỉ còn chiếm 22% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, vốn FDI vào lĩnh vực dịch vụ có xu hướng ngược chiều khi tăng từ 7% lên 77%. Trên góc độ chuyển giao công nghệ, tạo sự lan tỏa... vai trò của khối doanh nghiệp FDI gần đây không còn thể hiện rõ nét. Những dự án của các quốc gia sở hữu công nghệ nguồn như Nhật Bản, EU rất nhỏ bé trong tổng vốn đầu tư của khu vực này. Riêng
Hoa Kỳ, dù đã trở thành nhà đầu tư số một trong năm 2009, các dự án vốn lớn chủ yếu được đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú, bất động sản.
Cục trưởng Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Ðỗ Nhất Hoàng thừa nhận, nhận thức về thu hút và quản lý các nguồn vốn FDI tại các địa phương chưa đồng bộ, có khi nóng vội, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến vấn đề chiến lược, thu hút đầu tư một số nơi còn chạy theo số lượng mà thiếu quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến các cân đối tổng thể của nền kinh tế. Bài học về cấp phép ồ ạt cho các dự án sân gôn, các dự án khai thác khoáng sản và trồng rừng cần được nhìn nhận và nghiêm túc rút kinh nghiệm... Một số doanh nghiệp FDI chưa tự giác trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, thậm chí có những hành vi vi phạm rất tinh vi. "Ðây là vấn đề cần được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm ở tất cả các khâu, từ thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến triển khai thực hiện dự án cũng như quá trình hoạt động của dự án đầu tư", Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng lưu ý.
Ðể tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả vốn FDI trong thời gian tới, Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng nêu ra một số giải pháp, đó là cần tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi, hoàn thiện các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán.... Một số nguyên tắc cần có là thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân; không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, dự án tác động xấu đến môi trường... Ðể thực hiện, các bộ, ngành cần nâng cao vai trò trong khâu thẩm tra dự án, có những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật để ngăn chặn các dự án công nghệ lạc hậu và tác động xấu đến môi trường...
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh rằng, chính sách nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI cần được coi là định hướng quan trọng nhất trong giai đoạn mới. Nguồn vốn FDI cần được chuyển hướng từ các ngành, nghề thu hút nhiều lao động sang các dự án công nghệ điện tử, tin học, hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật...