Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư vào Campuchia - Tiềm lực lớn

Nền kinh tế có nhiều nét tương đồng, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trên thị trường, đầu tư vào Campuchia đang là một lợi thế lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhất là khi Chính phủ có chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, Campuchia trở thành địa chỉ tiềm năng thu hút các doanh nghiệp Việt Nam...

THỊ TRƯỜNG LỚN

Theo nhiều nhà đầu tư, Campuchia là một thị trường lớn để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường nội địa nước này và đến nước thứ ba trên thế giới. Thời gian qua, mậu dịch qua biên giới hai nước liên tục tăng. Bất chấp ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn tăng đều đặn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2008 đạt gần 1,1 tỉ USD, tăng gần 40% so với năm 2007. Đến năm 2009, kim ngạch này đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng 30% so với năm 2008. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL chiếm tỷ lệ lớn. Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Mục tiêu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Nam-Campuchia đạt 2 tỉ USD vào năm nay là hoàn toàn có thể khi mậu dịch hai bên đang có chiều hướng tăng mạnh, hoạt động tại các chợ biên giới đang rất sôi động. Các tỉnh dọc biên giới hai nước hiện đang hoàn thiện khu mậu dịch biên giới để phát huy lợi thế này...”.

Phân bón Việt Nam tại kinh Vĩnh Tế - An Giang chuẩn bị xuất khẩu sang Campuchia. 

Thông tin từ các cơ quan chức năng của Vương quốc Campuchia, nước này hiện còn diện tích đất rất lớn để đầu tư sản xuất và chế biến công, nông nghiệp phục vụ xuất khẩu. Điều thuận lợi là vùng đất này tập trung với diện tích lớn, đất khá màu mỡ và chưa bị thoái hóa do các loại hóa chất. Chỉ riêng một số vùng giáp biên giới với An Giang, có khoảng 6.000 đến 7.000 ha hiện đang thiếu nhân lực khai thác. Trong khi đó, nông nghiệp ở đây, nhất là nghề trồng lúa, còn lạc hậu, làm lúa dài ngày, kỹ thuật kém. Thông qua các chương trình hỗ trợ nông nghiệp của An Giang và Kiên Giang, cho thấy vùng đất này rất thích hợp với trồng lúa cao sản. Nếu đầu tư trồng rau màu, nhà đầu tư sẽ bán trực tiếp vào nội địa nước này với giá cao hơn tại Việt Nam trong khi giá thành thấp hơn... Tỉnh Kompom Thom và Kompom Cham giới thiệu đến doanh nghiệp Việt Nam trồng cây điều mẫu để quảng bá, phát triển giống, kỹ thuật chế biến hạt điều tại đây với diện tích khoảng 2.000 ha.

Vương quốc Campuchia đã tham gia nhiều tổ chức kinh tế trên thế giới là điều kiện tốt để doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng sang nước này hoặc đầu tư vùng nguyên liệu, nhà máy tại đây để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng, một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam chưa có thương hiệu có thể phối hợp với doanh nghiệp Campuchia xuất qua nước này để hoàn thiện các quy định khắt khe trước khi xuất sang các nước thứ ba. Thực tế, có nhiều mặt hàng được sản xuất quy mô nhỏ ở Việt Nam được ưa chuộng ở Campuchia và có thể xuất khẩu sang nước thứ ba. Nhưng đơn vị sản xuất không đủ tư cách pháp nhân để xây dựng xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, khâu hoàn thiện các chứng chỉ này tại Campuchia là cần thiết để hàng Việt đi xa hơn và có giá trị cao hơn. Ngoài ra, còn có một thông tin hấp dẫn đối với doanh nghiệp Việt Nam: Tháng 8-2009, EU bắt đầu cho phép nhập khẩu gạo từ Campuchia với mức thuế 0%. Đây là cơ hội tốt để nước này cạnh tranh với các nước khác và cũng là thời cơ tốt cho các doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác.

CÁNH CỬA MỞ...

Ngài Choun Đara, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia, cho biết: Tất cả các lĩnh vực kinh tế ở Campuchia đều được mở cho nhà đầu tư nước ngoài, trừ lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào sản xuất và chế biến nông-lâm sản, xây dựng, năng lượng, hàng không, bảo hiểm, tài chính-ngân hàng, du lịch, viễn thông, khoáng sản, phân bón... Campuchia cũng đang tập trung cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Hiện nay, có các Tiểu ban đầu tư tại 24 tỉnh, thành để cấp phép cho dự án dưới 2 triệu USD, thông qua đề nghị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp và đưa ra những khuyến khích đảm bảo các quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra, còn có Hội đồng phát triển Campuchia là dịch vụ “một cửa” để cấp giấy xác nhận đủ điều kiện đầu tư trong 3 ngày và cấp Giấy xác nhận đăng ký chính thức trong vòng 28 ngày. Thời gian thuê đất có thể kéo dài đến 99 năm. Nhà đầu tư được miễn thuế trong 3 năm và kéo dài thêm 3 năm nữa tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động và lĩnh vực đầu tư...

Thống kê của Bộ KH&ĐT, từ năm 1989 đến nay, Việt Nam đã cấp phép đầu tư vào Campuchia trị giá 883 triệu USD. Riêng năm 2009, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào nước này 400 triệu USD, chủ yếu các lĩnh vực khoáng sản, công nghiệp. Hoàng Anh-Gia Lai đầu tư 73 triệu USD trồng trên 20.000 ha cao su tại Campuchia. Công ty TNHH C&V đầu tư 37,2 triệu USD trồng 7.000 ha cao su tại Kratie. Dự kiến đến năm 2011-2012, một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng mới 100.000 ha cao su tại nước này. Công ty liên doanh Kamadhenu đầu tư 75 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất phức hợp đường, ethanon và điện tại tỉnh Kratie. Tập đoàn phân bón Năm Sao-Việt Nam hợp tác thành lập Công ty phân bón Quốc tế Năm Sao Campuchia và góp 90% vốn trong tổng số 65 triệu USD xây dựng nhà máy công suất 350.000 tấn/năm tại tỉnh Kandal... Cũng theo Bộ KH&ĐT, hiện đang có nhiều dự án lớn được hợp tác giữa hai bên trị giá hàng tỉ USD. Trong đó, Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp Campuchia thành lập Công ty TNHH Alumina Cambodia-Vietnam khảo sát và khai thác quặng beauxite tại tỉnh Mondol Kiri. Vốn đầu tư gian đoạn I của dự án khoảng 2,5 tỉ USD và tăng đầu tư lên 3,5 tỉ USD vào giai đoạn II.

“Sản xuất và hoàn thiện thành phẩm ngay tại Campuchia là giải pháp tốt nhất để khẳng định thương hiệu tại thì trường này, làm bước tiến cho các thị trường khác”. Nhiều doanh nghiệp rất đồng thuận với ý kiến này khi hàng hóa của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Campuchia từ thành thị đến nông thôn. Tăng giá trị và giảm giá thành sản phẩm, sử dụng nguồn nhân công giá thấp... là những lợi thế để khẳng định hiệu quả đầu tư trên mảnh đất tiềm năng này. Các chuyên gia cho rằng, lợi thế đã có, vấn đề còn lại là nhà đầu tư khôn ngoan chọn chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường, tâm lý khách hàng. Nói cách đơn giản, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đầu tư vào thị trường Campuchia là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam...

 

(Theo Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN/CanTho)

  • Việt Nam tiếp tục hấp dẫn giới đầu tư Nhật Bản
  • "Việt Nam là nơi doanh nghiệp Nhật yên tâm đầu tư"
  • BMI đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • TP.HCM: 5 tháng, gần 1,7 tỉ USD kiều hối
  • Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
  • Nhật rót thêm 18,3 tỷ yen cho Việt Nam
  • Hơn 680 triệu USD nâng cao chất lượng sống người dân
  • Singapore tài trợ 700.000 USD thắp sáng cầu Long Biên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!