Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư ra nước ngoài đạt kỷ lục năm 2011

Các doanh nghiệp Việt Nam đã giải ngân vốn đầu tư ra nước ngoài tổng trị giá 950 triệu đô la Mỹ trong tổng số vốn đăng ký 2,12 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dẫn đầu trong số này là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổng số vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài khoảng 347 triệu đô la Mỹ; thứ hai là Tập đoàn Viettel với tổng số vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài khoảng 185 triệu đô la; tiếp sau đó là Tập đoàn Cao su Việt Nam với 134,6 triệu đô la, Tập đoàn Sông Đà 161 triệu đô la, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai 39 triệu đô la và Công ty cổ phần Đông Dương Xanh 23,7 triệu đô la.

Tuy nhiên, con số này mới chỉ căn cứ trên số liệu báo cáo của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài chứ không bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Như vậy, năm 2011 là năm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giải ngân vốn đầu tư nhiều nhất ra nước ngoài. Tổng giải ngân lũy kế đến nay khoảng 2,7 tỉ đô la Mỹ.

Tại buổi họp báo ngày 30/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, một phần đáng kể vốn đầu tư ra nước ngoài được thực hiện trong nước (không chuyển ra nước ngoài).

Ông Phương nói: “Các tập đoàn, tổng công ty (nhà nước) báo cáo một phần vốn đầu tư ra nước ngoài được thực hiện để trả cho các nhà thầu của Việt Nam hoặc mua hàng hóa, dịch vụ của Việt  Nam để chuyển ra nước ngoài thực hiện dự án”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo chủ đầu tư sử dụng vốn nhà nước có trách nhiệm tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành nhằm tránh lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước.

Việc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư ra nước ngoài từng là chủ đề quan tâm tại nhiều diễn đàn, đặc biệt là Quốc hội, vì lo ngại về sự thiếu minh bạch và thất thoát vốn nhà nước trong bối cảnh Việt Nam thường xuyên thiếu hụt ngoại tệ.

Thứ trưởng Phương cho biết, hiện tại các ngân hàng thương mại đã xiết chặt cho vay bằng ngoại tệ để doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Ông giải thích: “Doanh nghiệp phải thu xếp vốn thương mại từ ngân hàng nước ngoài thay vì chuyển toàn bộ vốn từ Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài”.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có một dòng nào về việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay được bao nhiêu từ ngân hàng nước ngoài để thực hiện đầu tư ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Trong năm 2011, có 75 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký (bao gồm cả cấp mới và tăng vốn) 2,12 tỉ đô la Mỹ được cấp mới tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Một số dự án đầu tư quy mô lớn bao gồm Nhà máy thủy điện Hạ Sê San II tại Campuchia (806 triệu đô la); dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel đầu tư sang Peru (408 triệu đô la); dự án thủy điện Sê Kông 3 Thượng và Hạ lưu tại tỉnh Sê Kông (275,2 triệu đô la).

Đến nay có 627 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam đăng ký đạt 10,8 tỉ đô la Mỹ tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu tại Lào, Campuchia, Venezuela, và Liên bang Nga.
-------------------------
Tác giả: Tư Hoàng // Nguồn: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!