Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đề cao yếu tố hiệu quả

Cơ hội để lựa chọn những dự án hiệu quả và cải thiện cơ cấu đầu tư đang được giới chuyên môn đặt cao hơn mục tiêu thu hút vốn đăng ký mới.

Tại Hội thảo "Tác động của gia nhập WTO với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" được tổ chức cuối tuần qua, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo, theo phương án thấp, sẽ có khoảng 20 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới trong năm 2009, thấp hơn nhiều so với con số 64 tỷ USD đạt được của năm ngoái.

Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới Việt Nam ngày càng đậm nét, song cơ hội để lựa chọn những dự án hiệu quả và cải thiện cơ cấu đầu tư đang được giới chuyên môn đặt cao hơn mục tiêu thu hút vốn đăng ký mới.

Theo ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III, lợi thế lớn của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu chính là những cải thiện của Việt Nam trong suốt quá trình đặt mục tiêu trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như hai năm là thành viên chính thức.

"Thông điệp từ những cải cách liên tục về luật pháp, cơ chế chính sách, đặc biệt là hệ thống luật liên quan đến Luật Đầu tư nước ngoài, đã đến với giới đầu tư nước ngoài. Hơn thế, thị trường Việt Nam mở rộng cơ hội hơn khi tiếp tục thực hiện các cam kết một cách đầy đủ trong vai trò thành viên WTO", ông Claudio Dordi phân tích và nhắc tới sự thuận chiều về cơ hội đầu tư và vốn.

Tất nhiên, yếu tố thuận chiều này đang có xu hướng đảo ngược. Trong bối cảnh khủng hoảng chung, các nhà đầu tư nước ngoài không thể từ chối những chính sách hướng về nội địa của các chính phủ. Ngoài ra, theo phân tích của ông Nguyễn Mại, Trưởng nhóm tư vấn cao cấp (Dự án hậu WTO), giá cả nhiều nguyên vật liệu, hàng hoá trên thị trường thế giới có thể giảm 20% trong năm 2009 và sẽ phục hồi nhẹ 0,5% vào 2010. "Điều này không có lợi cho các nhà đầu tư. Họ buộc phải điều chỉnh chiến lược đầu tư toàn cầu", ông Mại nhận định.

Như vậy, mấu chốt trong thu hút nguồn vốn FDI năm 2009, một phần được cho là ở ngay trong chính hoạt động của các nhà đầu tư hiện hữu tại Việt Nam. Nếu như các nhà đầu tư đang triển khai hoạt động tại Việt Nam có được điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các dự án, để tận dụng những cơ hội trong khủng hoảng, thì đó chính là sức hấp dẫn của môi trường Việt Nam với các nhà đầu tư mới. Và theo ông Thắng, đây cũng là cơ hội để đạt được kỳ vọng về mức giải ngân vốn năm 2009 vào khoảng 11-12 tỷ USD, ngang bằng với năm 2008.

Dẫu sao, việc thu hút đầu tư mới vào giai đoạn khủng hoảng cũng đang đòi hỏi những thay đổi căn bản. Theo ông Mại, cơ hội từ khu vực Trung Đông đang đến. Tuy nhiên, khu vực nhà đầu tư mới buộc cơ quan xúc tiến đầu tư phải có nhánh chuyển hướng để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư này. Và điều quan trọng hơn cả đó là năng lực để lựa chọn hiệu quả đối với cả nhà đầu tư lẫn các cơ hội đầu tư của Việt Nam.

Có thể nói năng lực lựa chọn đang bộc lộ những điểm bất cập. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đem lại cơ hội cải tổ cho Việt Nam. Khá nhiều vấn đề được giới phân tích kinh tế đặt ra. Câu chuyện về số lượng quá nhiều dự án thép, sân golf, về tỷ lệ tới khoảng 60% diện tích đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được phủ kín... trong những năm qua được nhắc lại như đề bài của hướng cải tổ tới.

Cơ chế phân cấp lại được nhắc tới một cách thận trọng hơn. Không thể phủ nhận những đột phá trong thu hút FDI trong hai năm qua một phần nhờ quyền chủ động của các địa phương. Song, sự thiếu kết nối giữa quyền và năng lực của chính quyền địa phương, giữa lợi ích của địa phương và quy hoạch tổng thể ngành, vùng kinh tế... khiến hiệu quả của nguồn vốn FDI trong khá nhiều dự án chưa cao. "Các nước công nghiệp hoá đi sau như Việt Nam cần phải học thất bại của các nước đi trước để lựa chọn những dự án có lợi nhất trong quá trình toàn cầu hoá", ông Mại khuyến nghị.

Đặc biệt, hiệu quả lan toả của nguồn vốn FDI cũng đang là vấn đề cần được cải thiện. Ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế Chương trình hỗ trợ khu vực tư nhân Việt Nam (Dự án EU-Việt Nam) cho rằng, Chính phủ cần phải cải thiện thể chế, cải thiện chất lượng quy chế để tạo hành lang cho cải thiện liên kết.

( Theo báo Đầu tư )

  • Góc nhìn Đầu Tư Ứng phó thiên tai, phải phòng từ xa
  • Quy chế hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài
  • Hàn Quốc không giảm đầu tư vào Việt Nam
  • Trao giải thưởng Rồng Vàng 2008 cho 80 doanh nghiệp FDI
  • FDI năm 2009 vẫn triển vọng cho các dự án đầu tư trung và dài hạn
  • Đời sống xã hội: Tiếp tục đấu thầu gói xây lắp Dự án cầu Nhật Tân
  • Doanh nghiệp Việt sẽ đầu tư ra nước ngoài khoảng 1 tỷ USD
  • Trong 3 năm thu hút đầu tư nước ngoài (2006 - 2008): TPHCM dẫn đầu “top 10”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!