Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Góc nhìn Đầu Tư Ứng phó thiên tai, phải phòng từ xa

Việc 13 mét đê bao ở phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, TP.HCM) bất ngờ bị vỡ sáng ngày 11/1/2009, khiến hàng trăm hộ dân ở khu vực này lâm vào cảnh khốn khó và thiệt hại lớn về vật chất, đã một lần nữa gióng tiếng chuông báo động về vấn đề ứng phó thiên tai.

Điều đáng nói là, sự việc xảy ra sau một năm các cơ quan, ban, ngành ở TP.HCM bàn thảo rất sôi nổi về đề án chống ngập lụt, với mức đầu tư dự kiến lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Mặc dù cho đến giờ, chưa có kết luận cuối cùng về việc sẽ thực hiện đề án như thế nào, song rõ ràng, những vấn đề mà dư luận đặt ra về đề án này, kiểu như lo nước xa mà không lo lửa gần, hay đề án lớn nhưng cũng chỉ giải quyết được một nửa của vấn đề ngập lụt ở TP.HCM, là hoàn toàn đúng.

Không những thế, nếu vụ việc này được đặt trong mối liên kết với câu chuyện Hà Nội bị ngập lụt - sự kiện được nhiều cơ quan thông tin đại chúng bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2008 - thì càng thấy hết những vấn đề đặt ra trong chiến lược ứng phó thiên tai. Không thể tiếp tục có chuyện khi ngập lụt mới vội vã mang máy bơm ra chạy để bơm nước ra ngoài như ở Hà Nội.

Cũng tương tự, không thể tiếp tục để tái diễn tình trạng năm nào người dân TP.HCM cũng khốn khổ vì triều cường và ngập lụt do mưa. Phải chăng tất cả là do những biện pháp được đưa ra chưa có sự đồng bộ, mà chỉ mang tính chất bịt chỗ này, dẫn tới phình chỗ kia và do còn thiếu một quy hoạch thống nhất trong hệ thống thoát nước của Hà Nội, TP.HCM với các địa phương lân cận?

Khi đề án chống ngập của TP.HCM được đưa ra, ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho rằng, ngăn triều phải ngăn từ xa. Giải quyết vấn đề ngập do lũ và triều không có giải pháp nào khác là làm đê. Song đó cũng chỉ là một vấn đề. Đê chỉ giải quyết triều cường và lũ, chứ chưa giải quyết được ngập do nước mưa.

Vì thế, chống ngập lụt đòi hỏi phải có một giải pháp tổng thể và phù hợp từng khu vực, địa hình. Chẳng hạn, với Hà Nội, ngập lụt phần lớn là do mưa, lũ, nên chỉ tính chuyện mưa, lũ. Còn với TP.HCM, phải tính cả chuyện triều cường. Và ứng phó thiên tai phải là phòng từ xa, chứ không phải chỉ là những biện pháp trước mắt. Nghĩa là, cùng với sự sẵn sàng ứng phó với thiên tai, còn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực cho công tác quan trọng này.

Thủ tướng Chính phủ trong một chỉ thị hồi đầu đầu năm 2008 đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, là nội dung quan trọng được lồng ghép trong nội dung các đề án, dự án và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương. Đó là điều rất quan trọng, bởi nếu không có sự lồng ghép trong tổng thể quy hoạch kinh tế - xã hội, nếu quy hoạch thủy lợi và quy hoạch đô thị mà "đá" nhau, thì rất có thể, hiệu quả không thấy đâu, mà chỉ có lãng phí tiền của.

Khi bài báo này lên khuôn, thì những thông tin dự báo thời tiết về một đợt không khí lạnh với cường độ rất mạnh tràn xuống đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Có lẽ, cũng cần phải nhắc lại rằng, tầm này năm ngoái là điểm bắt đầu của đợt rét kỷ lục kéo dài 38 ngày, gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng, vật nuôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm nay, chưa có gì để đảm bảo một đợt rét như thế sẽ không xảy ra.

Bởi lẽ, những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn đang được đặt trên bàn nghị sự của Liên hợp quốc. Cùng với đó, hành động tàn phá môi trường của con người cũng đang ảnh hưởng nặng nề tới khí hậu. Chính vì thế, ứng phó thiên tai, có lẽ cũng nên bắt đầu từ việc phòng chống và điều này chỉ có thể có được khi bản thân mỗi người dân ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái.

( Theo báo Đầu tư )

  • Quy chế hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài
  • Hàn Quốc không giảm đầu tư vào Việt Nam
  • Trao giải thưởng Rồng Vàng 2008 cho 80 doanh nghiệp FDI
  • FDI năm 2009 vẫn triển vọng cho các dự án đầu tư trung và dài hạn
  • Đời sống xã hội: Tiếp tục đấu thầu gói xây lắp Dự án cầu Nhật Tân
  • Doanh nghiệp Việt sẽ đầu tư ra nước ngoài khoảng 1 tỷ USD
  • Trong 3 năm thu hút đầu tư nước ngoài (2006 - 2008): TPHCM dẫn đầu “top 10”
  • Khuyến khích chủ đầu tư dự án FDI ứng trước tiền thuê đất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com