“Bán hình ảnh Việt Nam trong các phòng họp ở nước ngoài rất khó. Phải mang các nhà đầu tư đến Việt Nam để họ có cái nhìn khác về Việt Nam”. Đây là một thực tế được rất nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư nước ngoài đưa ra tại thảo luận bàn tròn về việc xây dựng thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục Trí Việt và Công ty Sài Gòn Truyền thông tổ chức tại TPHCM ngày 30-6.
Hình ảnh Việt Nam: Trong tươi ngoài héo
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ, trong hơn 10 năm quyết định toàn cầu hóa, đưa hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, FPT đã thuyết phục đối tác bằng cách để họ yêu đất nước Việt Nam trước rồi mới tiến tới làm việc sau. Và du lịch là một trong những chìa khóa mang lại thành công này.
Và vị khách là giám đốc của một công ty ở Nhật Bản, trên hành trình tham quan từ Hà Nội – Quảng Ninh, đã dừng lại rất nhiều lần trên đường chỉ để nhìn ngắm cánh đồng lúa, hình ảnh con trâu, con bò. Sau chuyến đi, FPT đã có được hợp đồng quan trọng với công ty này, đồng thời vị giám đốc trên đã quyết định sang Việt Nam sống và làm việc.
Du khách nước ngoài ấn tượng với hình ảnh một Việt Nam năng động, phát triển và thân thiện. Ảnh: Việt Dũng |
Bà Morvarid Kaykha, chuyên gia cao cấp của Design Bridge (Singapore) chia sẻ, khi gõ từ khóa Việt Nam trên trang mạng Google, các trang đầu tiên đều nói đến đề tài chiến tranh. Nếu có những thông tin cập nhật thì cũng gắn với những hình ảnh bất lợi như thiên tai, lũ lụt, lao động rẻ, giá trị thấp… Đó là một bất lợi lớn khi thuyết phục các nhà đầu tư đến với Việt Nam.
Đại diện Quỹ đầu tư Dynasty cho rằng, với thông tin “quá cũ” về Việt Nam như vậy trên các kênh thông tin quốc tế, sẽ rất khó thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
Điểm nhấn nào cho thương hiệu quốc gia?
Thương hiệu quốc gia không thể tách rời hoạt động kinh tế - ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting khẳng định - thương hiệu không chỉ là sản phẩm mà còn là văn hóa, con người. Và chất lượng sẽ quyết định thương hiệu. Ví như hãng điện tử Apple trở thành một thương hiệu nổi tiếng không phải vì hình ảnh trái táo (bị cắn một miếng) mà vì chất lượng!
Điều này nhận thấy rất rõ trong chiến lược phát triển sản phẩm hàng hóa của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Các doanh nghiệp điện tử, xe hơi của 2 quốc gia này là nhân tố quan trọng xây dựng thành công THQG cho nước họ. Nhắc tới Hàn Quốc, Nhật Bản là nói đến đất nước của công nghệ cao.
Nhân tố về văn hóa, lịch sử, con người có nhiều điểm nhấn để có thể xây dựng thành THQG. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, một trong những điểm yếu nhất của người Việt hiện nay chính là việc “không hiểu được mình muốn gì”. Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển hình ảnh nhưng cách làm chưa hiệu quả, có nhiều cái đáng quảng bá nhưng không quảng bá.
Doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển, vươn ra thế giới nhưng bị phân tán, không liên kết được để thể hiện được tinh thần dân tộc. Ẩm thực Việt Nam cũng đang nổi lên trở thành yếu tố quan trọng trong xây dựng THQG.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang có đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành “Bếp ăn của thế giới”, như cha đẻ ngành marketing thế giới Philip Kotler gợi ý trong chuyến làm việc của ông tại Việt Nam năm 2007.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập dự án Đại học quốc tế Trí Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Trí Việt, cho biết: “Qua nhiều năm làm việc trong các cơ quan nhà nước, có điều kiện tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế, tôi nghĩ đây là thời điểm để Việt Nam xây dựng THQG cho mình. Và tất nhiên, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng THQG. Rõ ràng, trong suy nghĩ của các nhà đầu tư và bạn bè thế giới đang có một hình ảnh khác về Việt Nam. Những hình ảnh này ngược lại hoàn toàn khi họ đến và khám phá Việt Nam.
Thay vì mang hàng triệu du khách đến Việt Nam để họ hiểu và biết rõ Việt Nam hơn thì chúng ta phải làm điều ngược lại. Chúng ta phải mang câu chuyện của Việt Nam ra thế giới. Đó là ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng THQG Việt Nam. Đây cũng là dịp để tách bạch sự ngộ nhận giữa THQG và thương hiệu của doanh nghiệp mà nhiều người đã nghĩ”.
(Theo MỸ HẠNH // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com