Hoạt động của các nhà mạng có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài hiện không mấy khả quan |
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, sau hơn 3 năm gia nhập WTO, trong lĩnh vực viễn thông di động mới chỉ có một liên doanh được hình thành. Đó là liên doanh giữa Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (Gtel) và Vimpelcom (Nga) để hình thành mạng viễn thông di động Beeline, với tỷ lệ vốn góp tương ứng là 60 và 40%. Nhưng sau gần 1 năm chính thức cung cấp dịch vụ, nhà mạng này mới chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn 1,3% (tính đến thời điểm tháng 2/2010).
Hoạt động của hai nhà mạng khác có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là S-Fone và Vietnamobile (với hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh -BCC) cũng không có mấy khả quan. Mặc dù có mặt trên thị trường từ khá lâu, nhưng thị phần của S-Fone cũng chỉ dừng ở con số 2%, còn của Vietnamobile mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể sau lần thay máu từ công nghệ CDMA sang GSM, nhưng thị phần mới đạt 1,5%.
Vietnamobile chưa có động tĩnh gì về việc chuyển đổi hình thức kinh doanh, trong khi S-Fone đã đệ trình hồ sơ xin chuyển đổi sang liên doanh, nhưng cũng là việc “vạn bất đắc dĩ”, vì SK Telecom, đối tác trong hợp đồng BCC của mạng S-Fone, đã tuyên bố ngừng đầu tư vào S-Fone.
Thực tế này cho thấy, nếu tham gia với hình thức liên doanh, nhà đầu tư nước ngoài khó có cơ hội vươn lên chiếm lĩnh thị trường và thay đổi thế chân kiềng của 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone. Theo thống kê, tính đến hết tháng 2/2010, thị phần của Viettel là 40,1%, MobiFone là 32,9% và VinaPhone là 21,1%.
Theo bình luận của một quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông, gia nhập WTO, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu 49%, nhưng phần lớn nhà đầu tư nước ngoài không muốn liên doanh, mà chỉ thích mua cổ phần của các nhà mạng hiện có của Việt Nam. Theo lý giải của vị quan chức này, một phần của vấn đề này là do các doanh nghiệp viễn thông di động của Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường khá tốt, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài chỉ thâm nhập thị trường khi nhìn thấy lợi nhuận.
Nhận định của vị quan chức trên được chứng minh qua thực tế có hơn chục nhà đầu tư đang ngóng chờ kết quả cổ phần hoá MobiFone, cho dù nhà mạng này đã vài lần lỗi hẹn. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá MobiFone có lẽ vẫn còn “đường xa vạn dặm”.
Ngoài việc bày tỏ sự hào hứng mua cổ phần của MobiFone, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nghe ngóng thông tin cổ phần hoá của 3 nhà mạng còn lại là VinaPhone, Viettel và EVN Telecom.
(Theo Thu Huyền // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com