Ngày 27.6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại TP.HCM. Không thể phủ nhận những đóng góp của đầu tư nước ngoài trong việc tạo ra động lực, “cú hích” cho tăng trưởng kinh tế thành phố, nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề “nhìn thấy rồi nhưng không làm được mà thành phố cần mổ xẻ” như nhận xét của phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị
Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho rằng, nguồn vốn ĐTNN góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao của kinh tế thành phố trong nhiều năm liên tục, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, phát triển các ngành, lĩnh vực với công nghệ hiện đại... Hoạt động ĐTNN giúp thành phố tiếp thu những thành tựu công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thay đổi diện mạo thành phố…
“Cú hích”…
Ông Thái Văn Rê, giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư cho rằng: “ĐTNN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ… Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, ĐTNN bắt đầu chuyển hướng vào công nghệ cao như dự án 1,04 tỉ USD của tập đoàn Intel vào khu công nghệ cao TP.HCM…”
Khu chế xuất Tân Thuận và đại lộ Nguyễn Văn Linh được nêu ra như điển hình về phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội một cách đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Ở lĩnh vực dịch vụ, ĐTNN vào hệ thống phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại, đã tạo ra chuẩn mực mới trong phân phối, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đổi mới. Kết quả là thị phần của hệ thống bán lẻ mới này ngày càng tăng trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ. Sự xâm nhập của các tập đoàn nước ngoài chuyên về quản lý dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà hàng khách sạn cũng là “đầu kéo” các doanh nghiệp trong việc đổi mới, chuẩn hoá dịch vụ…
ĐTNN cũng được xem là đòn bẩy kích thích nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân. Một đội ngũ quản trị doanh nghiệp người Việt hình thành từ việc làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, đã đem những kỹ năng quản trị mới tiên tiến lan toả ra khu vực doanh nghiệp trong nước.
Từ ngày 1.1.1988, nhà ĐTNN được phép tham gia hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Từ đó đến nay, TP.HCM luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến 31.12.2008, TP.HCM có 3.128 dự án ĐTNN với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 25,604 tỉ USD, vốn thực hiện 10,1 tỉ USD. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất, tập trung vào hai ngành: kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 7,2 tỉ USD (chiếm 27,81%) và các ngành dịch vụ khác với số vốn là 11 tỉ USD, chiếm 43,01%. Tỷ trọng trong GDP của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tương đối cao. Năm 1995 chiếm 11,11%, năm 2005: 18,36%, năm 2007: 18,28%. (nguồn: sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM) |
Khả năng thẩm thấu tới đâu?
Con số đáng lưu ý là ĐTNN với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 25,604 tỉ USD, thì vốn thực hiện chỉ 10,1 tỉ USD. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Xin đất: 2 – 3 năm. Duyệt dự án: 2 – 3 năm. Đấu thầu: 2 – 3 năm… Như vậy thì còn làm ăn gì?”
Không chỉ vấn đề thủ tục đầu tư, điều đáng nói hơn là khả năng tiếp nhận vốn đầu tư của nền kinh tế. Trước hết, thành phố đang quá tải về hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế. “Cứ mời gọi vào đầu tư đi. Nhưng đường không có để đi. Hàng về cảng không giải toả được… Muốn thu hút công nghệ cao, nhưng nhân sự đủ kỹ năng không tuyển được…”, một nhà đầu tư cười, nói bên lề hội nghị.
Khả năng hấp thụ vốn, hấp thụ công nghệ kém, đã dẫn đến nhiều hậu quả về môi trường, xã hội. Chẳng hạn, ĐTNN đóng góp tăng dần vào xuất khẩu của thành phố (chiếm 10,3% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố năm 1995, đến năm 2007 là 26,7%). Tuy nhiên, một phần lớn vốn được đổ vào các ngành thâm dụng lao động phổ thông như may mặc và giày da. Đây là những ngành vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo áp lực lớn cho thành phố về hạ tầng do thu hút lượng lớn lao động nhập cư. Có doanh nghiệp thu hút cả chục ngàn công nhân. Những năm gần đây, thành phố đã phải từ chối bớt một số dự án lớn dạng này.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh về cơ sở hạ tầng, thành phố có nhiều dự án nhưng thực hiện quá chậm. “Vấn đề là nhìn thấy rồi nhưng làm không được. Quy hoạch không có. Có quy hoạch rồi thì khi làm, chất lượng dự án kém, vốn không có…”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng đề cập đến mối quan hệ giữa thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần có chuyển biến đồng bộ, nhất là về hạ tầng, để tăng khả năng thu hút đầu tư. “Cầu Đồng Nai dù được Chính phủ ưu đãi nhiều, nhưng cũng chậm hai tháng. Làm xong cầu thì… không có đường, phải đến năm 2010 mới có. Cảng Thị Vải – Cái Mép đã tiếp nhận tàu, chuẩn bị chuyển dịch vụ cảng của thành phố ra, nhưng toàn bộ hạ tầng giao thông kèm theo chưa có… Quốc lộ 51 giải toả xe chậm. Đường cao tốc đi Vũng Tàu cũng chưa làm…”, ông Hải nói.
(Theo Kim Văn // Báo Sài Gòn tiếp thị)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com