Ông Paul Vallely (trái), điều phối viên của WB tại Việt Nam, đang trình bày với Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài (phải) về vai trò của xe buýt khi đã có các tuyến metro. Bên cạnh là ông Ke Fang, chuyên viên cao cấp về giao thông đô thị của WB Ảnh: Kinh Luân |
300 triệu đô la Mỹ là khoản tiền mà Ngân hàng Thế giới (WB) sẵn sàng bỏ ra cho TPHCM vay để hiện đại hóa mạng lưới xe buýt trong vài năm tới, với điều kiện là phải tuân thủ những bước mà nhà tài trợ này đã định ra trong một dự án có tên là “Phát triển giao thông xanh ở TPHCM”.
Nhằm giới thiệu dự án này, từ đầu tuần, một đoàn công tác của WB do ông Ke Fang, chuyên viên cao cấp về giao thông đô thị, dẫn đầu đã rời trụ sở chính ở Washington để tới TPHCM.
Được hỗ trợ bởi Sở Giao thông Vận tải, trong ba ngày qua họ đã trình bày dự án này với các cấp lãnh đạo của Sở Kế hoạch Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố (HIDS) và Ban quản lý Đường sắt Đô thị (MAUR) trước khi gặp Phó chủ tịch thường trục Ủy ban Nhân dân TPHCM Nguyễn Thành Tài chiều 9-3.
“Dự án này nhằm 3 mục tiêu. Một là giải quyết nhu cầu bức thiết về giao thông đô thị bằng cách xây dựng mạng lưới xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit- BRT) và hiện đại hóa số xe buýt hiện có. Hai là tối ưu hóa tác dụng của các tuyến metro và đường bộ, và cuối cùng là tăng cường năng lực quản lý, điều hành cho các tổ chức chịu trách nhiệm về giao thông đô thị,” ông Fang giải thích.
“Chúng tôi biết thành phố đang đầu tư lớn cho các tuyến tàu điện ngầm (metro), thế nhưng trong vòng 5 – 10 năm nữa xe buýt vẫn là phương tiện giao thông công cộng quan trọng. Thậm chí ngay ở những nước tiên tiến, khi có metro rồi thì xe buýt vẫn còn rất cần thiết để kết nối”, ông Fang nói.
Theo chuyên gia này thì WB không chỉ hỗ trợ thành phố về vốn để đầu tư mà còn có thể cung cấp kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong việc lập kế hoạch, đầu tư, khai thác và vận hành tích hợp các loại phương tiện giao thông công cộng.
Cùng dự buổi làm việc này có ông Paul Vallely- điều phối viên của WB tại Việt Nam, chuyên trách mảng giao thộng. Theo ông này cho biết con số 300 triệu đô la Mỹ nêu trên chỉ mới là dự toán sơ bộ, trong đó “150 triệu là để phát triển các tuyến BRT, 80 triệu đầu tư mới xe buýt, 70 triệu còn lại chi cho hạ tầng và tăng cường thể chế”.
Ngay tại cuộc họp, ông Vallely cũng đề nghị thành phố cho mở “càng sớm càng tốt” tuyến xe buýt trên trục đại lộ Đông – Tây nhằm tạo thuận lợi cho việc hình thành tuyến BRT trong thời gian tới.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com