Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số: 1802/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đến năm 2030. Theo đó, đảo Phú Quốc sẽ phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng và quốc gia; từng bước trở thành một trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Đảo Phú Quốc với tổng diện tích tự nhiên khoảng 593 km2 là khu kinh tế - hành chính đặc biệt; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm giao thương quốc gia và quốc tế; trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ; trung tâm tài chính, ngân hàng tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và giao lưu quốc tế; có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng. Phạm vi ranh giới điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc gồm thị trấn Dương Đông, thị trấn An Thới và 8 xã: Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu và xã Hòn Thơm với quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 260-320 nghìn người và tăng lên 540-800 nghìn người vào năm 2030. Hiện nay, mỗi năm đảo Phú Quốc đón khoảng 150.000 lượt khách đến tham quan. Dự báo, đến năm 2020, đảo sẽ đón khoảng 2 - 3 triệu lượt khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 35 - 40% và sẽ tăng lên 5 - 7 triệu lượt khách/năm với khoảng 45 - 50% khách quốc tế vào năm 2030.
Hướng phát triển không gian đảo được điều chỉnh trên nguyên tắc bảo vệ các khu vực cần bảo tồn, khai thác hiệu quả các khu vực có địa hình thuận lợi. Đồng thời, xác định cấu trúc không gian đảo Phú Quốc gồm: vùng phát triển đô thị, vùng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vùng nông nghiệp, vùng bảo tồn thiên nhiên... Không phát triển đô thị trong các khu vực bảo tồn thiên nhiên, dự trữ sinh quyển của đảo Phú Quốc.
Quy hoạch đảo Phú Quốc theo các phương án điều chỉnh phân khu và vùng chức năng gồm: Hệ thống các trung tâm đô thị, trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành (văn hóa, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, tài chính, ngân hàng...); các khu dân cư đô thị và nông thôn... Bố trí tập trung các xí nghiệp công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, di dời các khu vực sản xuất nước mắm, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản ra khỏi khu vực đô thị, xa các khu vực nghỉ dưỡng và các khu vực có chức năng du lịch giải trí, khu sinh thái. Hệ thống các khu công viên cây xanh, mặt nước, không gian mở, đặc biệt là cảnh quan dọc 2 bờ các sông rạch chính như rạch Cửa Cạn, Dương Đông, Cửa Lấp, Suối Lớn... sẽ được quy hoạch dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan, sông nước và kênh rạch của đảo để thực hiện; đồng thời các chức năng giao thông thủy, tiêu thoát nước, điều tiết nước và cảnh quan. Khu dự trữ sinh quyển vườn quốc gia, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc phía Bắc đảo Phú Quốc; các khu bảo tồn biển như khu bảo tồn rạn san hô, khu bảo tồn cỏ biển, khu dự trữ sinh quyển... phải được bảo vệ đặc biệt. Hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của đảo. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình đầu mối như sân bay, cảng biển phải được đầu tư xây dựng hiện đại tầm cỡ khu vực, quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển sử dụng hiện tại và lâu dài...
(Theo báo Cần Thơ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com