Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ Tài chính công bố dự toán thu chi ngân sách năm 2011

Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2011 là 595.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so với ước thực hiện năm 2010, trong dự toán chi ngân sách Nhà nước là 725.600 tỷ đồng.

Dự toán thu ngân sách Nhà nước: 595.000 tỷ đồng


Thu nội địa từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (không kể thu tiền sử dụng đất): 352.000 tỷ đồng, tăng 19,3% so ước thực hiện năm 2010. Trong đó, dự toán thu từ khu vực kinh tế quốc doanh tăng 19,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,8%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 22,2%; thu thuế thu nhập cá nhân tăng 23,7% so với ước thực hiện năm 2010.

Thu tiền sử dụng đất: 30.000 tỷ đồng. Về quy mô dự toán thu nội địa (bao gồm cả thu từ đất đai) năm 2011, có 17 địa phương đạt trên 3.000 tỷ đồng, trong đó 11 địa phương thu trên 5.000 tỷ đồng, tăng 01 địa phương so với ước thực hiện năm 2010 (Khánh Hoà); 29 địa phương thu đạt từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng, tăng 04 địa phương so với ước thực hiện năm 2010 (Sơn La, Quảng Bình, Phú Yên, Kon Tum); 12 địa phương thu đạt từ 500 - 1.000 tỷ đồng; chỉ còn 05 địa phương thu dưới 500 tỷ đồng, giảm 01 địa phương (Ninh Thuận) so với ước thực hiện năm 2010.

Thu dầu thô: Dự kiến đạt 69.300 tỷ đồng, trên cơ sở dự kiến sản lượng đạt 14,02 triệu tấn, giá bình quân đạt 77 USD/thùng.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2011 từ hoạt động xuất nhập khẩu được xây dựng trên cơ sở dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với ước thực hiện 2010, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2011 dự kiến thực hiện cắt giảm khoảng 2.000 dòng thuế để thực hiện các cam kết quốc tế, làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng trên 2.000 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ thuế để hạn chế nhập siêu (nhất là các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu), hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.

Trên cơ sở đó, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2011 từ hoạt động xuất nhập khẩu là 180.700 tỷ đồng, tăng 12,4% so với ước thực hiện năm 2010, trong đó thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu là 80.400 tỷ đồng, tăng 12%; dự toán thu từ thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu là 100.300 tỷ đồng, tăng 12,7% so với ước thực hiện năm 2010.

Sau khi trừ đi số chi hoàn thuế theo chế độ năm 2011 dự kiến là 42.000 tỷ đồng, thì dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2011 là 138.700 tỷ đồng, tăng 14% so với ước thực hiện năm 2010.

Thu viện trợ không hoàn lại: 5.000 tỷ đồng, bằng dự toán năm 2010.


Tổng hợp chung, dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2011 là 595.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so ước thực hiện năm 2010. Về cơ cấu thu tiếp tục chuyển biến tích cực: năm 2011, dự toán thu nội địa chiếm 64,2% tổng thu ngân sách Nhà nước (ước thực hiện năm 2010 là 62,5%), qua đó góp phần tăng tính ổn định và bền vững của ngân sách Nhà nước.

Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2011: 725.600 tỷ đồng


Chi đầu tư phát triển: 152.000 tỷ đồng, tăng 21,1% (26.500 tỷ đồng) so dự toán năm 2010, chiếm 20,9% tổng chi ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, theo kế hoạch năm 2011 phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để tiếp tục thực hiện các dự án giao thông, thuỷ lợi và kiên cố hoá kết hợp chuẩn hóa trường lớp học, thực hiện đầu tư, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa khu vực liên huyện, trạm y tế xã, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn và xây dựng ký túc xá sinh viên,... Tính cả nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết (khoảng 8.000 tỷ đồng) thì tổng chi đầu tư phát triển năm 2011 chiếm khoảng 26,3% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Chi trả nợ, viện trợ: Bố trí 86.000 tỷ đồng, tăng 22,4% so dự toán năm 2010, chiếm 11,9% tổng chi ngân sách Nhà nước để đảm bảo chi trả các khoản nợ trong và ngoài nước đến hạn.

Chi thường xuyên: 442.100 tỷ đồng, tăng 18,1% so với dự toán năm 2010 (đã tính đủ tiền lương 12 tháng theo mức tiền lương tối thiểu 730.000 đồng/tháng), chiếm 60,9% tổng chi ngân sách Nhà nước; kể cả chi điều chỉnh tiền lương trong năm 2011 thì chiếm 64,6% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Về phân bổ chi tiết chi thường xuyên, dự toán chi năm 2011 phân bổ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện theo định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2011.

Trên cơ sở đó, định hướng phân bổ chi thường xuyên theo từng lĩnh vực chủ yếu như sau:


Chi thực hiện cải cách tiền lương: 27.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng chi ngân sách Nhà nước để từ 01/5/2011 thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ 730.000 đồng/tháng lên mức 830.000 đồng/tháng (tăng 13,7%), lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ với mức 10%; thực hiện phụ cấp thâm niên ngành giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chi trợ giá các mặt hàng chính sách: 1.660 tỷ đồng, tăng 35,6% so dự toán năm 2010.

Chi lương hưu và đảm bảo xã hội: 74.500 tỷ đồng, tăng 9,9% so dự toán năm 2010.


Chi sự nghiệp kinh tế: 42.540 tỷ đồng, tăng 58,3% so dự toán năm 2010. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đặc thù như thực hiện công tác quy hoạch để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ địa phương giữ đất lúa theo Nghị quyết của Chính phủ;....

Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường: 7.250 tỷ đồng, tăng 16,4% so dự toán năm 2010, chiếm 1% tổng chi ngân sách Nhà nước để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo quy định của Luật bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; các nhiệm vụ trọng tâm theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, các hoạt động bảo vệ môi trường.

Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo: 110.130 tỷ đồng, tăng 13,9% so dự toán năm 2010.


Chi sự nghiệp y tế: 43.200 tỷ đồng, tăng 30,9% so dự toán năm 2010. Cùng với chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi cải cách tiền lương, đảm bảo tổng dự toán chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế tăng cao hơn so với tốc độ tăng chi chung của ngân sách Nhà nước theo đúng Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: 6.430 tỷ đồng, tăng 24,4% so dự toán năm 2010.


Chi lĩnh vực văn hoá - thông tin: Cùng với chi xây dựng cơ bản, chi cải cách tiền lương bố trí chi lĩnh vực văn hoá đạt trên 1,8% tổng chi ngân sách Nhà nước theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX). Trong đó, chi sự nghiệp văn hoá - thông tin: 4.640 tỷ đồng, tăng 25,3% so dự toán năm 2010. Chi sự nghiệp phát thanh - truyền hình - thông tấn: 2.410 tỷ đồng, tăng 25,3% so dự toán năm 2010.

Chi sự nghiệp thể dục thể thao: 1.760 tỷ đồng, tăng 45,6% so dự toán năm 2010.

Chi quản lý hành chính: 62.060 tỷ đồng, tăng 10,9% so dự toán năm 2010.

Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương: 100 tỷ đồng.

Dự phòng ngân sách Nhà nước: Bố trí 18.400 tỷ đồng, bằng 2,6% tổng chi ngân sách Nhà nước.

(NDHMoney)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!