Tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức cao, khiến nỗi lo về nguy cơ tái lạm phát và các biện pháp đề phòng tái lạm phát tiếp tục được đặt ra.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,55%, dư nợ tín dụng tăng 14,91% so với tháng 12/2008 (trong đó tín dụng bằng VND tăng 20,59%, tín dụng bằng đồng USD giảm 6,34%).
Những con số này cho thấy sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, bởi người dân đã bắt đầu đổ tiền vào sản xuất - kinh doanh để đợi ngày "hái quả", song mặt khác cũng hiển hiện một nỗi lo. Lo vì tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay đã ở mức khá cao, không thấp hơn bao nhiêu so với con số tăng trưởng dư nợ tín dụng 17,66% của cùng kỳ năm ngoái. Khi đó, mức tăng như vậy được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng lạm phát tại Việt Nam trong những tháng đầu năm ngoái.
Trên thực tế, lời cảnh báo về việc tăng trưởng tín dụng cao đã được đưa ra từ tháng trước, khi Ngân hàng Nhà nước công bố con số gần 11,2%. Khi ấy, nhiều dự báo đã cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng cao trong thời gian tới, do một ngân khoản lớn sẽ tiếp tục được đổ vào nền kinh tế, nhằm kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Và quả thực, sau 5 tháng, tăng trưởng dư nợ tín dụng tiếp tục ở mức cao. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc trong 5 tháng đầu năm, đã có tới hơn 319.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất được giải ngân.
Tuy vậy, cũng không ít ý kiến băn khoăn về khả năng một lượng tiền không nhỏ đã tiếp tục được đổ vào chứng khoán và bất động sản. Trong một cuộc hội thảo gần đây, TS. Trần Du Lịch, ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm rằng, nếu các dòng vốn đó không đi đúng mục tiêu được Chính phủ đề ra là kích thích sản xuất, mà lại đi vào các kênh đầu cơ như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thì nguy cơ đối với nền kinh tế là rất lớn. Chính vì vậy, theo quan điểm của ông Lịch, điều quan trọng không phải là tăng trưởng tín dụng bao nhiêu, mà là đồng vốn đó đã được đổ vào đâu.
Việc tăng trưởng dư nợ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán ở mức cao, cộng thêm lượng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng trong 5 tháng đầu năm cũng đã tăng tới 19,3% so với cuối năm 2008, khiến nỗi lo về nguy cơ tái lạm phát tiếp tục được đặt ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, kinh nghiệm cho thấy, sau 2 - 3 tháng dư nợ tín dụng tăng cao, giá cả hàng hóa sẽ bị tác động mạnh. Và trên thực tế, hàng loạt mặt hàng trên thị trường đã bắt đầu nhúc nhích tăng giá. Bên cạnh đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lên tới 69 USD/thùng vào ngày 3/6 cũng sẽ tác động đến giá cả nhiều hàng hóa ở thị trường trong nước.
Không những vậy, mặc dù việc dư nợ tín dụng tăng cao sau giai đoạn suy giảm là điều dễ hiểu, song nếu không có biện pháp quản lý tốt, kiểm soát được chất lượng tín dụng, thì khó tránh được nợ quá hạn tăng cao. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Tất cả những điều đó khiến dư luận bắt đầu đặt câu hỏi về việc nên tính tới chuyện điều chỉnh chính sách tiền tệ hay chưa, bởi sau một thời gian thắt chặt vào giữa năm ngoái, chính sách tiền tệ đã dần được điều chỉnh theo hướng nới lỏng, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp giao ban về tình hình kinh tế - xã hội với các nhà tài trợ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ sự quan ngại về các chính sách tài khóa, tiền tệ của Việt Nam. Theo quan điểm của vị đại diện này, dư nợ tín dụng tăng cao có thể khiến Việt Nam phải điều chỉnh một số biện pháp trong chính sách tiền tệ.
Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mức tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay chưa phải là quá cao và hiện phù hợp với mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ. Việc có điều chỉnh chính sách tiền tệ hay không cần phải tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường. "Chúng tôi sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt và cẩn trọng.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm nay sẽ ở mức 25%. Đây là con số hợp lý để vừa ngăn chặn suy giảm kinh tế, vừa đề phòng tái lạm phát", ông Tiến nói.
Có lẽ, cũng cần phải nhắc lại rằng, điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng gần đây đã có sự điều chỉnh. Cùng với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ đã bắt đầu tính tới các biện pháp đề phòng tái lạm phát. Chính vì thế, chính sách tiền tệ cũng sẽ được điều hành để làm sao đạt được cả hai mục tiêu này.
Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 5 mới đây đã yêu cầu từng tuần phải theo dõi sát sao diễn biến của tổng phương tiện thanh toán để có biện pháp điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất phù hợp.
( Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com