Việc triển khai Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế đang được các cấp, các ngành và các địa phương ráo rốt thực hiện.
Một điều rất dễ nhận thấy trong những ngày này, đó là các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Vào các website có "đuôi" .gov.vn, thông tin tràn ngập về việc địa phương này, hay bộ, ngành kia tổ chức họp hay triển khai chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP.
Vào những ngày cuối tuần trước, tỉnh Đồng Tháp cũng đã tổ chức cuộc họp để bàn về nội dung này. Đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Trọng Nghĩa đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp và Cục Thuế tỉnh triển khai một loạt biện pháp, như thực hiện tốt việc hỗ trợ lãi suất, miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng..., nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Đặc biệt, ông Nghĩa đã yêu cầu, vào chiều thứ Năm hàng tuần, các đơn vị này có nhiệm vụ báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện các nội dung nêu trên về Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê tỉnh để tổng hợp, báo cáo Thường trực UBND tỉnh nắm tình hình, chỉ đạo kịp thời. Rõ ràng, rất dễ dàng nhận thấy sự quyết liệt trong điều hành của không chỉ lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
Thực tế cũng cho thấy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc hỗ trợ lãi suất 4%, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt triển khai và cho tới nay, đã có khoảng 80.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ này được giải ngân. Tuy cho đến nay, còn không ít vướng mắc liên quan đến cách hiểu về đối tượng thụ hưởng, loại hình tổ chức tín dụng được tham gia thực hiện hỗ trợ lãi suất, song nhìn chung, gói hỗ trợ kích cầu của Chính phủ đã và đang được vận hành khá suôn sẻ. Các vấn đề vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để xử lý.
Trao đổi với Báo Đầu tư về vấn đề trên, ông Hà Xuân Từ, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đó là cách điều hành hợp lý. "Thách thức lớn nhất của việc triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế chính là thời gian. Nếu triển khai chậm, không kịp thời, thì sẽ không còn ý nghĩa.
Trong quá trình triển khai, phải giám sát chặt chẽ, nếu có vướng mắc, phải nhanh chóng đưa ra biện pháp để xử lý", ông Từ nói và cho rằng, việc triển khai hỗ trợ người nghèo dịp Tết Nguyên đán vừa rồi đã xuất hiện những vướng mắc một phần là do thiếu sự giám sát chặt chẽ. Theo ông Từ, chỉ khi được quản lý, giám sát chặt chẽ, mới có thể kịp thời phát hiện những điểm chưa hợp lý để từ đó, có giải pháp thỏa đáng hơn.
Có thể nói, chưa bao giờ khối công việc nặng nề, đặc biệt là trong xây dựng chính sách, được các bộ, ngành, địa phương giải quyết một cách quyết liệt và triệt để như trong 2 tháng vừa qua. Từ các chính sách về kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đến các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, rồi đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nội địa, thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu, đổi mới công nghệ... Không có sự trì hoãn, một điều xưa nay không phải là hiếm ở Việt Nam.
Chỉ tính riêng Bộ Tài chính, trong 2 tháng qua, đã ban hành 12 thông tư hướng dẫn liên quan đến vấn đề miễn, giảm, gia hạn thuế, điều chỉnh thuế suất một số mặt hàng... Đó là chưa kể, bộ này đã ban hành các quyết định, các công văn để hướng dẫn không thu thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ sản xuất từ nguyên liệu gỗ nhập khẩu, hướng dẫn bãi bỏ việc áp dụng thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng gạo và phân bón, đồng thô và tinh quặng đồng, quặng barite và apatit...
Còn Ngân hàng Nhà nước, có lẽ cũng đã rất bận rộn với việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp về tín dụng, lãi suất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...
Khó có thể kể hết những công việc mà các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện trong 2 tháng qua nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bởi đó thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ. Có lẽ, chính nhờ sự quyết liệt này, mà dự báo, trong tháng 3 này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong tháng 3/2009, tình hình xuất khẩu có thể khởi sắc hơn, một phần là do vào thời điểm này, gói kích cầu bù lãi suất sẽ phát huy tác dụng. Việc được vay với lãi suất cực thấp cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua và sản xuất hàng xuất khẩu. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 3 có thể đạt 3,8 - 4 tỷ USD.
Độ trễ về chính sách luôn luôn được nhắc tới. Chính vì thế, khó có thể ghi nhận những dấu hiệu tích cực hơn của nền kinh tế ngay trong những tháng đầu năm. Song đúng như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vào thời điểm giữa năm 2009, khi các gói giải pháp bắt đầu phát huy hiệu quả, thì nền kinh tế sẽ có sự chuyển biến.
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com