Theo các chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 vẫn trong ngưỡng chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát tăng giá tiêu dùng vẫn phải tiếp tục được chú ý nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát cao.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng bình quân trong cả nước là 1,17% so với tháng trước. So với tháng trước, trong tháng 2/2009, giá thực phẩm tăng 1,72%, giá lương thực tăng 0,82% đã khiến cho giá tiêu dùng của nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống nói chung tăng 1,67%. Trong đó, riêng giá cả ăn uống ngoài gia đình tăng vọt tới mức 2,63%. Ngoài ra, giá cả đồ dùng và dịch vụ khác liên quan tới các lễ hội tăng cao ở mức 2,01% và chỉ số giá của nhóm hàng nhà ở - vật liệu xây dựng (gồm cả tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt) cũng tăng 1,59% do bắt đầu vào mùa thi công xây dựng.
Một tác động không nhỏ nữa đối với mặt bằng giá cả chung toàn xã hội là chỉ số giá vàng và đồng đô la Mỹ (USD) trong tháng 2 đều tăng cao so với tháng trước, với mức tăng vọt 5,74% của giá vàng và 0,91% của USD.
Từ sự biến động giá cả của những nhóm hàng chính yếu nêu trên, chỉ số giá tiêu dùng toàn xã hội tháng 2/2009 đã tăng 1,49% so với tháng 12/2008, nhưng tính bình quân cả 2 tháng đầu năm 2009 so với 2 tháng đầu năm 2008 đã tăng 16,13%. Đây là mức tăng cao, bởi chỉ mới 2 tháng mà đã tăng gần bằng mức tăng 16,38% của cả 3 tháng đầu năm 2008.
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận xét, mức tăng giá tiêu dùng trong tháng 2 như vậy là chấp nhận được. “Nếu so với sự tiên lượng của cơ quan quản lý và chuyên gia thì đây là mức tăng cao. Tuy nhiên, nếu so với chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra thì chỉ số này là hoàn toàn có thể chấp nhận được”, ông Xuân nói.
Nhìn nhận dưới góc độ tổ chức thị trường nội địa trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái như hiện nay, ông Xuân cho rằng, bên cạnh việc lo lắng CPI tăng cao thì thời điểm này, việc quan trọng không kém là làm sao cần có chính sách để tiêu thụ hàng hoá do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất được.
“Mối lo lúc này chính là tiêu thụ hàng hoá cho DN, bởi nhiều mặt hàng đã hạ giá bán tới 50%, nhưng sức mua vẫn chậm. Bên cạnh việc đề phòng CPI tăng cao, việc đẩy mạnh đầu tư công ở thời điểm này rất quan trọng, bởi nó sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động và nhất là tạo ra sự “hứng khởi” cho nền sản xuất nói chung”, ông Xuân phân tích.
Chuyên gia này cũng khẳng định, việc kiểm soát tăng giá tiêu dùng ở thời điểm này cần được thực hiện sau khi đã bóc tách các nhóm mặt hàng cụ thể có khả năng tăng giá mạnh để đưa ra những giải pháp cụ thể. Theo ông Xuân, thời điểm này có thể đưa mặt hàng sữa, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình... vào tầm ngắm để có biện pháp cụ thể.
Dưới góc nhìn của chuyên gia về giá cả thị trường, TS. Ngô Trí Long cũng nhận xét, mức tăng CPI trong tháng 2 là chấp nhận được. “So với 4 tháng giảm liên tiếp thì CPI của tháng 2 là tăng cao nhất. Đối với nền kinh tế Việt Nam, vấn đề lạm phát luôn cần đặc biệt cảnh giác.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang thực hiện gói kích cầu thì càng phải chú ý tới nguy cơ lạm phát cao”, TS. Long cảnh báo nguy cơ tăng lạm phát. Cũng theo TS. Long, trước một lượng tiền lớn được “bơm” ra như hiện nay, việc chú ý nâng cao hiệu quả đầu tư công là rất quan trọng, bởi nếu không thực hiện được điều này thì vô hình trung chính sách kích cầu lại tạo ra tiền đề cho lạm phát bùng nổ.
Bình luận về chính sách nới lỏng tiền tệ, TS. Long cho rằng: “Đối với chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt và nới lỏng thì cần phải thận trọng nhằm đạt được mục tiêu đề ra”. Đối với hoạt động thương mại, chuyên gia này nhận xét, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế vẫn là câu chuyện dài, cần tiếp tục được chú ý trong thời gian tới. Chỉ khi thực hiện đầy đủ các giải pháp thì mới có khả năng giữ lạm phát ở mức nền kinh tế có thể chịu đựng. TS. Ngô Trí Long cũng nhận định, khả năng lạm phát trong năm nay sẽ không cao và có thể đứng ở mức một con số.
Liên quan tới tổ chức hệ thống phân phối hàng hoá nhằm ngăn chặn tăng giá tiêu dùng trong cả nước, các chuyên gia kinh tế khẳng định, cần nâng cao chất lượng hoạt động của các mạng lưới thương nghiệp tại các địa phương, nhất là tại các trung tâm công nghiệp. Thực tế cho thấy, trong khi CPI tháng 2 ở Hà Nội chỉ tăng 0,99%, ở Hải Phòng tăng 0,89%, thấp nhiều so với mức tăng chung cả nước, thì tại TP.HCM tăng 1,3%, TP. Thái Nguyên tăng 1,23%, Thừa Thiên Huế tăng 1,2%, Khánh Hoà tăng 1,59%…
Đi đôi với việc thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, các ngành cùng các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc giám sát, kiểm soát và bình ổn giá cả hàng hoá và dịch vụ. Những bài học và kinh nghiệm về kiềm chế tăng giá và kiềm chế lạm phát của năm 2008 vẫn còn giá trị thời sự, nhưng vận dụng vào năm 2009 càng khó hơn, bởi vừa phải kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, lại vừa phải kiềm chế lạm phát.
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com