Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chưa đồng thuận với “Bản thông lệ thị trường ngoại hối”


Hiện nay, rủi ro trong kinh doanh ngoại hối rất lớn và rất khó kiểm soát, vì vậy, bản thông lệ này được coi là hàng phòng thủ quan trọng cần phải được thiết lập trên toàn thị trường để giúp các thành viên quản lý rủi ro một cách hiệu quả.

Dự kiến cuối tháng 7/2009, “Bản thông lệ thị trường ngoại hối” sẽ được hoàn tất để trình lên Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

Khi đó, bản thông lệ sẽ được coi là văn bản tự thỏa thuận của các thành viên tham gia thị trường và được áp dụng thống nhất.

Dù hoàn toàn đồng tình với việc cho ra đời “Bản thông lệ thị trường ngoại hối” là cần thiết trong thời điểm hiện nay, nhưng vẫn còn những ý kiến chưa đồng tình về một số chi tiết trong bản thông lệ này.

Những vướng mắc cần điều chỉnh

Ông Trương Đình Song, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, trong hoạt động kinh doanh nói chung thì chuẩn mực đạo đức hay văn hóa doanh nghiệp là rất cần thiết, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh ngoại hối chuẩn mực đạo đức là một tiêu chí rất quan trọng. Cho nên, chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh ngoại hối được coi là tiêu chí hàng đầu trong bản thông lệ này.

Đồng tình quan điểm trên nhưng đại diện của Ngân hàng ACB cho rằng, những quy định về chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh ngoại hối vẫn còn thấp, do vậy cần phải có những quy định chi tiết hơn nhằm nâng cao chuẩn mực đạo đức cho thị trường.

Còn ông Trần Khánh, Ngân hàng Đại Á - Chi nhánh Hà Nội cho rằng, thị trường ngoại hối Việt Nam gồm hai mảng lớn là liên ngân hàng và giao dịch gữa ngân hàng với khách hàng nhưng trong bản thông lệ lại chủ yếu đưa ra quy tắc trong giao dịch liên ngân hàng, mà không chú trọng đến các quy tắc giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng. 

Những nguyên tắc đưa ra trong bản thông lệ này trong trường hợp giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng chưa cụ thể, cần có quy định cụ thể về những quy tắc và thông lệ trong giao dịch ngoại hối giữa ngân hàng với khách hàng.

Đồng tình với những nguyên tắc chung được đưa ra trong bản thông lệ này, đại diện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cho biết, hiện tại MB đang triển khai hoàn thiện các quy trình trong việc: xét hạn mức giao dịch ngoại tệ cho các ngân hàng khác, hoàn thiện về quy trình nghiệp vụ... để tiến gần nhất đến những quy tắc chuẩn trong bản thông lệ này. 

Theo đại diện của MB, bản thông lệ này sẽ nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng nhưng khi các công ty tài chính cũng được kinh doanh ngoại tệ sẽ khiến cho các ngân hàng lo lắng, vì đến nay các công ty tài chính vẫn chưa theo kịp những thông lệ đang áp dụng trên thị trường. 

“Tôi hy vọng bản thông lệ này cũng sẽ được các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực ngoại hối áp dụng để hoạt động được chuyên nghiệp hơn”, đại diện MB nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Đoàn Duy Ái, Phó tổng giám đốc, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà Tp.HCM (HDBank) cho rằng, theo Pháp lệnh ngoại hối thì vàng khi xuất nhập khẩu cũng được coi là ngoại hối. Tuy nhiên, trong bản thông lệ này, vàng lại không được đưa vào. Vậy, nếu không đưa vàng vào bản thông lệ thì phải chăng Ban soạn thảo nên đưa ra định nghĩa được điều chỉnh trong bản thông lệ này không bao gồm các hoạt động giao dịch vàng. 

Bên cạnh đó, các chủ thể được điều chỉnh trong bản thông lệ chỉ ghi chung chung là các thành viên tham gia thị trường, trong khi một thông lệ (như UCP) cần phải có những định nghĩa rất rõ ràng. Ví như: ngoại hối bao gồm những gì, thành viên tham gia thị trường gồm những ai...?

“Các thành viên tham gia thị trường không chỉ có các ngân hàng mà còn có những khách hàng không phải các tổ chức tín dụng, vậy khi tham gia các khách hàng này có bị điều chỉnh bởi bản thông lệ này không?”, bà Ái góp ý.

Hướng đến chuẩn chung trên thị trường

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc cho ra đời “Bản thông lệ thị trường ngoại hối” vào thời điểm này rất cần thiết cho thị trường ngoại hối Việt Nam. 

Hiện nay, rủi ro trong kinh doanh ngoại hối rất lớn và rất khó kiểm soát, vì vậy, bản thông lệ này được coi là hàng phòng thủ quan trọng cần phải được thiết lập trên toàn thị trường để giúp các thành viên quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Qua đó, giúp các ngân hàng nâng cao được hệ thống quản lý rủi ro trong kinh doanh ngoại hối. 

Bên cạnh đó, bản thông lệ cũng sẽ thiết lập mặt bằng chung trong giao dịch ngoại hối giữa các thành viên trên thị trường. Các giao dịch ngoại hối sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, độ tin cậy trong các giao dịch cũng sẽ được nâng lên đáng kể, đồng thời cũng giúp giảm thiểu chi phí cho các bên tham gia.

Khi bản thông lệ này có hiệu lực, để áp dụng chung và thống nhất trên thị trường, ông Huy cho rằng, cần phải có sự cam kết của các bên tham gia. Nếu thấy bản thông lệ này phù hợp và cần thiết, thì các thành viên tham gia thị trường nên tham gia ký kết hay xác nhận sẽ áp dụng những quy định của bản thông lệ trong nội bộ ngân hàng và khi giao dịch với các ngân hàng khác. 

Điều này sẽ có tính chất ràng buộc và thể hiện các cam kết của các ngân hàng trong giao dịch ngoại hối. Trên thực tế, ông Huy cho rằng, bản thông lệ này mới đặt ra những nguyên tắc chung, còn trong nội bộ từng ngân hàng cần phải có những văn bản cụ thể hơn nữa về quy trình nghiệp vụ, về hạn mức của từng nhân viên...

Nhưng trước mắt, ông Song cho biết, Bản thông lệ vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn chỉnh, và sau khi tổ soạn thảo ghi nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường và sửa đổi, hoàn thiện nội dung, Vụ Quản lý ngoại hối sẽ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y. 

Sau đó, VNBA sẽ cùng với Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước tổ chức một lễ ký kết thoả thuận thực hiện Bản thông lệ giữa các thành viên thị trường được phép kinh doanh ngoại hối.

 

(Theo Ngô Hải-Tuấn Linh // VnEconomy)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • Thêm hơn 7.886 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất được giải ngân
  • Công bố kết quả kiểm toán: “Ông lớn” sai nhiều
  • Thanh toán phi tiền mặt khu vực công: Tìm điểm đột phá
  • Ẩn số kinh tế
  • TPHCM: dư nợ cho vay 9 tháng tăng 33,6%
  • Dồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
  • Tìm đến vốn vay USD
  • TPHCM: Cho vay hỗ trợ lãi suất hơn 80.000 tỉ đồng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!