Việc cơ cấu lại trên thị trường trái phiếu sẽ được thực hiện thông qua việc mua lại để đảm bảo chỉ có một số lượng trái phiếu Chính phủ hợp lý trên thị trường. |
Việt Nam đang có trên 500 mã trái phiếu Chính phủ được giao dịch, với nhiều kỳ hạn khác nhau.
Xung quanh chủ đề cơ cấu lại mã trái phiếu và công tác điều hành thị trường trái phiếu trong năm 2010, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính).
Bộ Tài chính đang cân nhắc đến việc cơ cấu lại số lượng trái phiếu chính phủ trong năm 2010. Ông có thể nói rõ hơn việc này?
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành một số văn bản bước đầu cho việc cơ cấu lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường như: văn bản hướng dẫn phát hành trái phiếu theo lô lớn, văn bản hướng dẫn về quy trình mua lại trái phiếu Chính phủ trước hạn...
Tất nhiên, giai đoạn vừa qua nhiều lúc do nguyên nhân khách quan nên chúng ta phải phát hành trái phiếu theo từng lô mà chưa đạt mức độ đủ lớn và mỗi lần phát hành là một mã trái phiếu. Điều này cũng đã có những ảnh hưởng đến tính thanh khoản trên thị trường.
Vì vậy, Bộ Tài chính cũng đã có chương trình cụ thể để giải quyết vấn đề này và nâng cao tính thanh khoản trên thị trường bằng cách cơ cấu lại thị trường và ban hành những văn bản hướng dẫn hoạt động trên thị trường. Khi thị trường thuận lợi chúng tôi sẽ thực hiện việc mua lại trái phiếu Chính phủ đã phát hành.
Vậy sau khi cơ cấu lại, thị trường sẽ còn bao nhiêu mã trái phiếu Chính phủ?
Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, có nước chỉ sử dụng 9 mã trái phiếu Chính phủ, có nước có gần 20 mã trái phiếu Chính phủ. Còn tại Việt Nam, đang có trên 500 mã trái phiếu Chính phủ được giao dịch, với nhiều kỳ hạn khác nhau.
Nhưng để sau khi cơ cấu lại thị trường còn bao nhiêu mã trái phiếu Chính phủ sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, điều này cũng còn do thị trường quyết định. Việc cơ cấu lại các mã trái phiếu Chính phủ sẽ nhằm mục đích đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường.
Bộ Tài chính cũng đang trong quá trình đặt ra các kỳ hạn chuẩn, khối lượng chuẩn cho mỗi lần phát hành và trên cơ sở đó sẽ mua lại các mã trái phiếu nhỏ lẻ trên thị trường.
Nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường trái phiếu Việt Nam hơn một năm, liệu việc cơ cấu này có thu hút họ trở lại?
Tôi khẳng định Việt Nam là nước đang phát triển, nên vẫn có những rủi ro của bất kỳ một nước đang phát triển nào như: rủi ro về thanh khoản, rủi ro thị trường, rủi ro về ngoại hối...
Nhưng tôi cho rằng với những chính sách điều hành về vĩ mô ngày càng linh hoạt và bám sát thị trường của Chính phủ và các bộ ngành thì sớm muộn Việt Nam sẽ khôi phục sự quan tâm cũng như sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường tài chính Việt Nam nói chung và thị trường vốn nói riêng.
Bên cạnh đó, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, một lượng vốn sẽ được dành ra để đầu tư vào trái phiếu. Chắc chắn nhu cầu trên thị trường không phải chỉ có nhà đầu tư trong nước mà còn có của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, chúng tôi đã thấy có sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường trái phiếu Việt Nam.
Trong những năm qua, ở Việt Nam cũng đã chứng kiến sự phát triển của các nhà đầu tư có tổ chức như: các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm... những nhà đầu tư này cũng rất cần có công cụ trung và dài hạn để đảm bảo hoạt động.
Theo tôi, với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam và trên thế giới thì nhu cầu đối với các loại trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã và sẽ tiếp tục phục hồi nhanh. Cụ thể, trong những tháng gần đây, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm rất mạnh đến các loại trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh việc cơ cấu lại mã trái phiếu, công tác điều hành thị trường trái phiếu trong năm 2010 được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu theo lô lớn, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ để đảm bảo giảm số lượng trái phiếu Chính phủ lưu hành trên thị trường nhằm nâng cao tính thanh khoản của thị trường, đồng thời tận dụng hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Việc cơ cấu lại trên thị trường trái phiếu sẽ được thực hiện thông qua việc mua lại để đảm bảo chỉ có một số lượng trái phiếu Chính phủ hợp lý trên thị trường.
Tiếp đến là Bộ Tài chính sẽ cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thị trường, cơ sở thanh toán, cơ sở lưu ký để đảm bảo các giao dịch được giao dịch tập trung theo mô hình trái phiếu chuyên biệt tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Cần phải có thị trường trái phiếu công khai minh bạch khi đó mới có thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Đây không chỉ là định hướng trong năm 2010, mà còn là định hướng của Việt Nam trong suốt những năm qua. Đặc biệt, công tác điều hành lãi suất và hoàn thiện các quy chế thị trường nợ cũng sẽ được coi trọng trong năm 2010.
(Theo Ngô Hải // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com