Ngày 26/4/2007, Qantas ký hợp đồng đầu tư vào Pacific Airlines (nay là Jestar Pacific Airlines), một bước trong kế hoạch tái cơ cấu lại hãng hàng không này mà SCIC là đầu mối triển khai. |
Chiều 15/12, VnEconomy nhận được công văn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với nội dung liên quan đến kết quả kiểm toán “siêu tổng công ty” này công bố trước đó.
Công văn đề cập khá chi tiết các vấn đề về lương thưởng cho lãnh đạo SCIC, về việc thua lỗ của Jestar Pacific Airlines, việc chưa kê khai và nộp kịp thời thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân…
Để tạo thông tin đa chiều và rộng đường dư luận, VnEconomy tóm lược một số nội dung chính của công văn trên.
Thu nhập lãnh đạo thực lĩnh 36,4 triệu/tháng?
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, mức thu nhập của lãnh đạo SCIC là 78,5 triệu/tháng. Theo giải trình của SCIC, con số này là tổng thu nhập chưa nộp thuế, bao gồm tiền lương và một số khoản khác, thực lĩnh thấp hơn nhiều.
Cụ thể, các khoản được liệt kê: tiền lương hàng tháng năm 2008 là 49,3 triệu đồng; lương, tiền thưởng trong quỹ lương năm 2008 do quỹ lương được điều chỉnh tăng thêm do hoàn thành vượt kế hoạch 63% là 15,7 triệu đồng; các khoản tiền lương của năm 2007 trả vào quý 1/2008 là 5,9 triệu đồng; các khoản chi phí (không nằm trong lương) như tiền làm thêm giờ, tiền đồng phục, tiền điện thoại (khoán) là 6,1 triệu đồng; các khoản chi từ quỹ khen thưởng, phúc lợi là 1,5 triệu đồng.
SCIC cho biết, tháng 7/2009, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã cắt 100% tiền lương, tiền thưởng trong quỹ lương là 15,7 triệu đồng/tháng và cắt 100% tiền làm thêm giờ của năm 2008 là 4,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, tiền lương hàng tháng của lãnh đạo năm 2008 là 49,3 triệu đồng/tháng (lương kế hoạch được duyệt là 40 triệu đồng/tháng); sau khi nộp thuế, số thực lĩnh là 36,4 triệu đồng/tháng.
Tiền lương nói trên tăng so với kế hoạch được giải thích là lấy từ quỹ tiền lương điều chỉnh tăng do việc hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch doanh thu là 63% theo quy định.
Ngoài ra, báo cáo của SCIC cho biết thêm, đối với các thành viên Hội đồng Quản trị kiêm nhiệm tại tổng công ty này, năm 2007 có 2 thành viên kiêm nhiệm là ông Đỗ Hữu Hào và Cao Viết Sinh; năm 2008 là ông Vũ Văn Ninh, Cao Viết Sinh, Đỗ Hữu Hào, Trần Xuân Hà. Các thành viên này không có lương mà chỉ nhận phụ cấp theo chế độ: năm 2007 là hơn 1,4 triệu đồng/người/tháng sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân là 157.950 đồng; năm 2008 là 2.187.000 đồng/người/tháng sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân là 243.000 đồng.
Theo SCIC, qua báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, có 3 vấn đề tồn tại:
Thứ nhất, Tổng công ty chưa cung cấp đầy đủ và phân tích cụ thể số liệu và tình hình cho Đoàn Kiểm toán dẫn đến không phân định rõ thu nhập để tính thuế thu nhập cá nhân với tiền lương thuộc quỹ lương năm 2008.
Thứ hai, SCIC chưa kịp thời báo cáo Liên Bộ Tài chính – Lao động Thương binh và Xã hội khi lao động thực tế thấp hơn kế hoạch trên 5% để điều chỉnh quỹ lương theo quy định. Sau khi Kiểm toán Nhà nước có ý kiến, Tổng công ty đã điều chỉnh giảm quỹ lương năm 2008 là 3,8 tỷ đồng.
Thứ ba, SCIC đã chi trả tiền lương làm thêm giờ một số trường hợp vượt 200 giờ/năm.
Vì sao Jestar Pacific Airlines thua lỗ?
Một nội dung chính trong thông tin giải trình từ SCIC liên quan đến hoạt động thua lỗ của Jestar Pacific Airlines (JPA) – đơn vị mà SCIC thực hiện tái cơ cấu và đại diện vốn Nhà nước.
Theo SCIC, việc thua lỗ của hãng hàng không này là do giá xăng dầu tăng, bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và do quản trị chưa tốt.
Một nguyên nhân chính được đề cập cụ thể là xuất phát từ nghiệp vụ mua trước nhiên liệu máy bay (fuel hedging), một trong những nghiệp vụ quản trị rủi ro được nhiều hãng hàng không trên thế giới áp dụng trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong thời kỳ giá xăng dầu trên thị trường có nhiều biến động. Nếu giá nhiên liệu thực tế vượt quá mức giá đã mua, hãng hàng không được lợi; ngược lại, nếu giá giảm hãng hàng không chịu thiệt.
Năm 2008, giá nhiên liệu liên tục tăng (từ khoảng 60 USD/thùng lên đến 140 USD/thùng vào tháng 7/2008). Trong bối cảnh đó, Hội đồng Quản trị JPA đã thông qua chủ trương và chỉ đạo Ban giám đốc thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu với mức giá 122 - 135 USD/thùng. Tuy nhiên, công ty đã gặp rủi ro; giá xăng dầu đã không tiếp tục tăng như dự báo mà bất ngờ giảm mạnh từ cuối quý 3/2008 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu; JPA đã bị lỗ từ nghiệp vụ hedging nhiên liệu.
Liên quan đến hoạt động của hãng hàng không này, SCIC cũng đưa ra một số thông tin đáng chú ý về chuyện lương thưởng.
Cụ thể, việc chi trả lương của JPA do Hội đồng Quản trị quyết định. JPA đã thuê Công ty Tư vấn Mercer xây dựng bảng lương và chế độ đãi ngộ trên cơ sở kế hoạch kinh doanh năm 2008 - 2009 có lãi dự kiến là 9 - 27 triệu USD. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, JPA thua lỗ, nhất là sau khi thực hiện nghiệp vụ hedging nhiên liệu.
Trước tình hình trên, một số giải pháp cũng đã được thực hiện, trong đó có yêu cầu cắt giảm mạnh chi phí tiền lương thông qua việc giảm nhân sự nước ngoài, giảm các biên chế không thực sự cần thiết và điều chỉnh lại chính sách tiền lương và thu nhập đảm bảo phù hợp với kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của công ty này.
Đến nay, JPA đã giảm số cán bộ quản lý chủ chốt người nước ngoài (từ 12 người xuống còn 5 người) và sẽ tiếp tục cắt giảm thêm trong thời gian tới đàm phán để cắt giảm 25%-50% thu nhập của lao động nước ngoài và, yêu cầu đối tác nước ngoài (Qantas) hỗ trợ chia sẻ chi phí tiền lương trả cho các vị trí do đối tác nước ngoài giới thiệu sang làm việc tại Việt Nam.
JPA công ty cũng đã thực hiện và tiếp tục cắt giảm lương của cán bộ chủ chốt người Việt Nam (với mức giảm ít nhất 25% đối với các vị trí Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Giám đốc thương mại); cắt giảm khoảng 100 biên chế lao động...
Theo tính toán, các biện pháp trên giúp JPA tiết kiệm 1,5 triệu USD trong năm 2009.
(Theo Minh Đức // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com