Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giảm mức đóng góp của người dân

Cho dù còn có khá nhiều ý kiến khác nhau về ngưỡng chịu thuế đối với nhà ở, song Bộ Tài chính (BTC) vẫn bảo lưu quan điểm chỉ đánh thuế đối với phần giá trị vượt trên 600 triệu đồng.



Theo Dự án Luật Thuế nhà đất (mới), ngưỡng chịu thuế đối với nhà là 600 triệu đồng (Ảnh: Đức Thanh)

 Theo giải thích của BTC, giá khởi điểm để tính thuế nhà kể trên được xác định trên cơ sở lấy định mức phấn đấu diện tích nhà ở/người vào năm 2020 theo Quyết định 76/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (37,5 m2/người). Với ngưỡng này, một hộ gia đình nếu sử dụng 150 m2 nhà cấp 1 có đơn giá xây dựng 4 triệu đồng/m2 sẽ không phải nộp thuế. Hơn nữa, trong thực tế, loại nhà cấp 1 không nhiều, chủ yếu là các cấp 2, 3 và 4, nên dù sử dụng cao hơn 150 m2 thì tuyệt đại đa số người dân ở nông thôn cũng sẽ không phải nộp thuế nhà.

Tinh thần của Dự án Luật Thuế nhà đất (LTNĐ) mới nhất vừa được BTC hoàn thiện là giảm sự đóng góp của người dân. Theo Dự án LTNĐ trước đây, phần giá trị nhà từ 600 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng phải nộp thuế với thuế suất 0,05%, phần vượt trên 1,2 tỷ đồng phải chịu thuế suất 0,1%. Trong khi đó, theo Dự án LTNĐ mới, thì người dân chỉ phải nộp thuế với thuế suất 0,03% đối với toàn bộ phần vượt trên 600 triệu đồng. 

Như vậy, theo phương án cũ, nếu người dân sử dụng 300 m2 sàn với đơn giá xây dựng 5,5 triệu đồng/m2 thì mỗi năm phải nộp 750.000 đồng tiền thuế nhà, còn theo phương án mới chỉ phải nộp 315.000 đồng/năm. “Phương án này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, không điều tiết đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn. Tuy nhiên, chưa điều tiết cao đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà, sở hữu nhà có diện tích lớn, giá trị cao. Song để không tăng gánh nặng cho người dân, BTC vẫn đề xuất thực hiện phương án này”, một thành viên Ban soạn thảo cho biết.

Ngoài việc giảm nghĩa vụ đóng góp cho người dân, LTNĐ mới còn đơn giản hoá cách tính thuế, đặc biệt đối với nhà ở mà người dân đang sử dụng. Theo Dự án LTNĐ cũ, giá 1 m2 nhà được xác định theo đơn giá xây dựng mới của nhà ở cùng loại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, giảm trừ 2%/mỗi năm sử dụng đối với nhà cấp I và cấp II; giảm trừ 3%/năm đối với nhà cấp III và giảm trừ 5%/năm đối với nhà cấp IV. 

Mức giảm trừ không quá 80% đối với nhà cấp I, cấp II và không quá 90% đối với nhà cấp III và cấp IV. BTC cho rằng, cách tính này có ưu điểm là công bằng, song khá phức tạp, bởi trên thực tế, tuyệt đại đa số nhà ở hiện tại đã qua sử dụng, nhưng không xác định được năm xây dựng, thời gian sử dụng do người sử dụng hiện tại nhận chuyển nhượng sở hữu từ người khác.

Để đơn giản hoá, Dự án LTNĐ mới quy định, giá tính thuế 1 m2 nhà mặc dù vẫn được xác định theo tỷ lệ phần trăm trên đơn giá 1 m2 nhà xây mới cùng loại (kể cả trường hợp sử dụng nhà để ở, cho thuê hoặc kinh doanh) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định), nhưng sẽ do Chính phủ quy định cụ thể theo hướng giá tính thuế của 1 m2 nhà bằng 50% đơn giá xây dựng mới của nhà ở cùng loại. 

“Với ngưỡng chịu thuế đối với nhà là 600 triệu đồng và giá tính thuế bằng 50% đơn giá xây dựng mới của nhà ở cùng loại thì chỉ có một số ít nhà biệt thự có diện tích lớn mới phải nộp thuế, còn lại hầu hết nhà ở dân cư hiện nay đều không phải nộp thuế”, BTC dự báo.

Theo dự kiến ban đầu, thuế đánh vào đất ở đối với diện tích trong hạn mức là 0,05% và phần diện tích vượt hạn mức là 0,1%. Kết quả điều tra trên 1.500 trường hợp tại 53 tỉnh, thành phố trên cả nước vừa được BTC thực hiện cho thấy, nếu tính theo phương án này, số thu ngân sách đối với nhà đất sẽ tăng trung bình 2-3 lần hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm 2009, số thu thuế thuế nhà đạt 640 tỷ đồng, bằng 67,2% dự toán pháp lệnh (952 tỷ đồng) và tăng 19% so với cùng kỳ năm 2008, có trường hợp tăng 5-6 lần, thậm chí có không ít trường hợp tăng 14-15 lần so với hiện hành. 

Một quan chức BTC cho biết, sau khi nghiên cứu lại, để việc thu thuế nhà đất không gây phản ứng trong nhân dân, đồng thời thực hiện mục tiêu số thu theo LTNĐ không tăng đột biến so với số thu hiện hành, BTC đã đề xuất giảm thuế suất đối với đất ở. Cụ thể, thuế suất đối với phần diện tích trong hạn mức là 0,03%; phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần hạn mức là 0,06%; phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức là 0,09%.

Hiện đã có trên 30 tỉnh, thành phố ban hành hạn mức đất ở cho hộ gia đình, với hạn mức đất trung bình ở đô thị là 150 m2/hộ và ở nông thôn là 350 m2/hộ. Như vậy, nếu tính theo phương án mới thì nghĩa vụ đóng góp thuế đất ở của người dân sẽ giảm ít nhất 60% so với phương án cũ vì hầu hết hộ gia đình ở cả đô thị lẫn nông thôn đều không phải nộp thuế đất ở do diện tích đất ở đều dưới hạn mức.

(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư )

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!