Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) làm ruộng bậc thang. |
Là tỉnh miền núi, có hơn 30 dân tộc anh em sinh sống, tỉnh Yên Bái có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế trang trại, trồng rừng, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Ðể biến tiềm năng thành hiện thực, những năm qua đội ngũ cán bộ tín dụng của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã bám sát địa bàn, bám từng hộ dân, thẩm định cho vay và bảo toàn nguồn vốn, giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm.
Ðồng vốn ngân hàng về trang trại
Ðến trang trại của anh Nguyễn Xuân Dũng ở khe Phưa, thị trấn Nông trường Trần Phú, nơi Phòng giao dịch của ngân hàng nông nghiệp huyện Văn Chấn cho vay 500 triệu đồng để làm kinh tế trang trại, mới thấu hiểu nỗi niềm của người dân khát vốn đến nhường nào. Cũng như hơn 116 nghìn hộ nông dân nông thôn trong tỉnh, gia đình anh Dũng chân chất làm ruộng, làm chè chắt chiu rồi cũng đủ ăn, nhưng nói có của ăn của để là rất khó. Ðể vươn lên làm giàu, năm 2005, vợ chồng anh Dũng bàn bạc mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua giống, phân bón trồng cây ăn quả như: cam đường canh, cam sành, cam sen... Từ gần một nghìn gốc cam các loại được chăm sóc đúng kỹ thuật, hằng năm cho thu hoạch hơn 25 tấn quả, giá bán bình quân bốn nghìn đồng/kg cho thu lợi mỗi năm cả trăm triệu đồng. Hiện gia đình có 10 ha đất trồng chè và các cây nguyên liệu giấy, vào thời vụ phải thuê thêm nhân công thu hái, sau gần năm năm gia đình đã gần hoàn hết vốn vay, làm mới được ngôi nhà gỗ khang trang hơn 600 triệu đồng với các thiết bị sinh hoạt hiện đại. Cũng tại thị trấn Nông trường Trần Phú, đã có 556 khách hàng là nông dân vay hơn 16 tỷ đồng để phát triển kinh tế trang trại, các hộ Nguyễn Văn Thung, Trịnh Lương Bằng, Nguyễn Chí Quốc... đều làm trang trại trồng cây ăn quả có quy mô hàng nghìn gốc, mỗi năm cho ra thị trường hơn ba nghìn tấn quả tươi, tạo ra vùng cây ăn quả có sức hấp dẫn trong vùng.
Con ba ba xuất khẩu đang là một 'cú huých' làm giàu cho nông dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Nhưng làm thế nào có vốn để mua con giống, khi mà mỗi con ba ba bé bằng bao diêm có giá 400 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/con, thời điểm 'sốt' lên tới 600 nghìn đồng/con; còn ba ba bố mẹ có giá từ 15 đến 18 triệu đồng một cặp. Thế là kênh ngân hàng trở thành cứu cánh cho khát vọng làm giàu của nông dân trong vùng. Anh Trần Ðức Tuấn trú tại tiểu khu 1, xã Cát Thịnh
49 tuổi hướng dẫn chúng tôi cùng kiểm tra đàn nhím giống với 32 cặp bố mẹ nay đã cho sinh sản tốt, cho biết, Cái giống nhím này hầu như không bị bệnh, nguồn thức ăn như: sắn, ngô, bí đỏ, khoai... lại sẵn có ở địa phương, công chăm sóc ít hơn so với một số giống vật nuôi khác, bán được từ 15 đến 18 triệu đồng/đôi nhím giống. Ðầu tư từ năm 2006, thế chấp tài sản vay ngân hàng 400 triệu đồng, anh Tuấn mạnh dạn xây dựng hệ thống chuồng nuôi nhím, phía dưới là hệ thống ao nuôi ba ba với 30 cặp đẻ. Nhờ áp dụng đầy đủ các quy trình kỹ thuật, mỗi lứa ấp đẻ đều cho tỷ lệ nở cao. Năm 2009 lãi từ ba ba 150 triệu đồng, năm nay được giá lãi gần gấp hai lần năm trước.
Chị Ðỗ Thị Lương, cán bộ tín dụng thuộc Ngân hàng NN và PTNT Văn Chấn, người trực tiếp thẩm định cho các hộ vay vốn trong xã Cát Thịnh cho biết: Lợi thế ở vùng này là nước ao nuôi được dẫn trực tiếp từ các khe suối, thức ăn tại chỗ rẻ, người dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên ba ba mau lớn, nguồn gốc vật nuôi được quản lý tốt, có đầu ra ổn định, con ba ba trở thành vật nuôi xóa đói, giảm nghèo trong khu vực. Hiện trên địa bàn đã có hơn 400 hộ dân nuôi ba ba, nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày, Dao đã chuyển đổi nhận thức, cùng với nguồn vay ưu đãi năm triệu đồng trong năm năm không tính lãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để nuôi ba ba như các hộ: Lương Văn Hải, Sa Quang Huy, Sa Hữu Nông... đã thoát nghèo từ giống vật nuôi mới này.
Bứt phá từ chính sách đúng
Thực hiện Quyết định 67/TTg về một số chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, Giám đốc chi nhánh ngân hàng NN và PTNT tỉnh Yên Bái Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: Toàn tỉnh đã thành lập được 4.475 lượt tổ vay vốn thuộc các tổ chức xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... qua đó có 52.629 lượt khách hàng vay vốn, với dư nợ hơn 650 tỷ đồng. Từ nguồn này, nhiều hộ nông dân ở các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến nông lâm sản, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung về sản phẩm chè, quế, sắn, gỗ rừng trồng... tạo ra hàng vạn việc làm tại chỗ trong khu vực nông thôn miền núi. Nhưng từ khi có Nghị định 41/2010/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn thay thế, đã có sức lan tỏa nhanh ở Yên Bái, thỏa mãn yêu cầu về vốn của sự phát triển.
Về Văn Yên, một huyện có nhiều bứt phá trong công tác tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn, Giám đốc chi nhánh ngân hàng huyện Tô Minh Ðức cho biết: Lợi thế của huyện Văn Yên là có vùng quế hơn 8.000 ha, vùng sắn cao sản 8.000 ha, ngoài ra tỷ lệ rừng trồng cũng rất cao, người dân chăm chút làm ăn và có chí làm giàu, tạo ra môi trường tín dụng khá đa dạng. Vì vậy, hơn 20 cán bộ tín dụng ngân hàng nông nghiệp huyện đã bám cả 27 xã trong huyện, tích cực chủ động phục vụ nông dân trong việc vay mua chi phí sản xuất nông nghiệp; mua, tiêu thụ sản phẩm quế, sắn, ván ép từ gỗ rừng trồng; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là các trang trại nuôi trồng, sản xuất hàng hóa tập trung. Trong tổng dư nợ hơn 223 tỷ đồng của chi nhánh đã được nông dân trong huyện sử dụng hiệu quả vào việc mua phân bón, con giống, thiết bị chế biến nông, lâm sản làm nguồn vốn sinh sôi, người dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Như nông dân Vũ Văn Ðán ở thị trấn Mậu A, từ nguồn vốn vay 300 triệu đồng đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo năm ao nuôi cá thịt và cá giống có giá trị thương phẩm cao trên thị trường như: cá chiên, cá nheo, cá quất và ba ba. Sau hơn bốn năm làm ăn hiệu quả, anh Ðán đã trả đủ lãi và gốc cho ngân hàng, xây được nhà ở hai tầng kiểu biệt thự khang trang. Hiện với món vay mới để nuôi cá sấu thương phẩm và cá giống, gia đình anh Ðán luôn sử dụng thêm tám lao động để chăm sóc, là một điển hình nông dân sản xuất giỏi ở địa phương.
Qua thực tế, để người nông dân miền núi tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, cần làm tốt việc tư vấn, hướng dẫn và điều chỉnh chính sách cụ thể hơn. Ðó là, tỉnh cần sớm ban hành giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí của T.Ư để làm căn cứ vay tín dụng, bởi hiện tại có hàng trăm trang trại đủ tiêu chí, nhưng không biết bám vào đâu để được vay tối đa đến 500 triệu đồng không phải thế chấp theo Nghị định 41. Sau khi giải thể, sắp xếp lại các nông trường, lâm trường quốc doanh của tỉnh, thì công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân trong vùng còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Một số hộ nông dân tuy được chuyển nhượng nhiều ha đất làm chè (do các công ty chè giải thể hay phá sản), đến nay do nhiều lý do khác nhau vẫn chưa có quyền chủ sở hữu đích thực, sẽ làm khó cho cán bộ tín dụng khi tiến hành các thủ tục thế chấp vay vốn.
Khi Nhà nước, người nông dân và nguồn vốn tín dụng cùng song hành vì mục tiêu phát triển, tin rằng việc hạ nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn miền núi tỉnh Yên Bái sẽ sớm trở thành hiện thực.
(Theo Thanh Sơn/nhandan)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com