Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hơn 8 tỉ USD kiều hối

Lượng kiều hối chuyển về VN trong năm 2010 đã vượt xa con số dự báo 6 tỉ USD khi đạt trên 8 tỉ USD. Một kỷ lục mới đã được thiết lập.

Kết thúc năm 2010, lượng kiều hối chuyển qua Công ty kiều hối Sacombank đạt 1,3 tỉ USD, tăng 45% so với năm 2009. Doanh thu kiều hối qua Công ty kiều hối Đông Á đạt 1,2 tỉ USD, tăng 20% so với năm 2009. Lượng kiều hối chuyển qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương trên 1,2 tỉ USD…

Con số bất ngờ

Ông Nguyễn Hoàng Minh -Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM - cho biết lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn thành phố trong năm 2010 đạt trên 3,8 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo số liệu của Vụ Quản lý ngoại hối NHNN, ước trong tháng 12, lượng kiều hối chuyển về VN đạt 770 triệu USD, đưa con số kiều hối chuyển về trên cả nước lên mức hơn 8 tỉ USD, tăng 25,6% so với năm 2009.

Hơn 8 tỉ USD kiều hối là con số khá bất ngờ vì trước đó vài tháng các chuyên gia đưa ra mức dự báo kiều hối năm 2010 chỉ có thể đạt 6 tỉ USD. Bởi năm 2009, kiều hối chuyển về VN giảm gần 13% so với năm 2008, từ mức 7,2 tỉ USD xuống 6,3 tỉ USD.

Ông Trần Văn Trung - Giám đốc Công ty kiều hối Đông Á -cho rằng kiều hối tăng do kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ có phần hồi phục nên kiều bào, người lao động có điều kiện chuyển tiền về cho người thân trong nước. Một yếu tố khác hỗ trợ cho lượng kiều hối qua hệ thống ngân hàng ngày càng nhiều hơn là chất lượng phục vụ của các đơn vị chi trả kiều hối ngày càng gia tăng. Ngoài thực hiện chi trả kiều hối tại quầy, các đơn vị còn đưa đến tận nhà và chi trả qua tài khoản thẻ cho khách hàng...

Theo ông Trung, lượng kiều hối chuyển theo đường không chính thức hiện nay không đáng kể bởi chính sách nhận kiều hối VN rất thông thoáng, như: không phải đóng thuế, được nhận bằng ngoại tệ hay tiền đồng tùy khách hàng chọn…

Một nguyên nhân khác góp phần làm tăng kiều hối là lãi suất huy động USD của các ngân hàng trong nước hiện ở mức 5%/năm, cao hơn lãi suất USD ở nước ngoài.

2011 sẽ khởi sắc hơn

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), VN đứng hàng thứ 16/30 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất. Dự báo năm 2011, lượng kiều hối chuyển về VN sẽ tăng thêm 6,2%.

Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ Quốc gia, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, 2010 là một năm thắng lợi của kiều hối khi đạt được mức cao nhất trong các năm qua. Tuy nhiên, ông trăn trở: “Lượng kiều hối vào nhiều nhưng chúng ta khai thác và sử dụng chưa thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Nguồn kiều hối được chi trả qua ngân hàng, nhưng không được bán, gửi lại ngân hàng để đáp ứng trở lại cho nền kinh tế như xuất khẩu, đầu tư. Kiều hối vẫn chủ yếu được người dân giữ lại, trôi nổi trong nền kinh tế. Nguyên nhân, do chính sách, cách điều hành và lòng tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng và đồng tiền chưa được đều khắp và triệt để”.

Theo ông Kiêm, phải làm sao để mỗi đồng kiều hối khi được chuyển về không tạo ra thiệt thòi cho người gửi, để khi gửi họ yên tâm hơn, có lợi hơn. Ít nhất cái lợi này phải bằng hoặc cao hơn khi đi đầu tư ở chỗ khác.

Nguyên Thống đốc NHNN dự báo trong năm nay nền kinh tế sẽ chuyển biến tích cực hơn như các chỉ tiêu tăng trưởng GDP 7-7,5%, lạm phát kiềm chế dưới 7%, khi đó chắc chắn khả năng hút kiều hối nhiều hơn. Bên cạnh đó, “nền kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi và phát triển hơn năm ngoái, nếu chúng ta có chính sách đúng đắn, nguồn tiền dư dật sẽ tăng lên và đi tìm điểm đến tại các quốc gia phát triển, tăng trưởng ổn định như VN”, ông nói.

Ngân hàng khó “giữ chân” USD

Kiều hối là một trong những kênh ngoại tệ rất quan trọng, góp phần đáng kể trong việc giảm sự thiếu hụt cán cân vãng lai, giảm thiểu rủi ro huy động vốn, giảm sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài của quốc gia. Thế nhưng các ngân hàng hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc thu hút kiều hối chuyển về qua kênh chính thống, lượng kiều hối được người nhận bán lại cho ngân hàng vẫn còn khá khiêm tốn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, với mức chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng như hiện nay, rất khó có thể thu hút người nhận kiều hối bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. “Để giải quyết khó khăn này, chỉ có cách kéo giảm chênh lệch giữa tỷ giá trong và ngoài ngân hàng mà thôi”, ông Hiển nói.

(Thanh niên)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • Ngân sách ngành thuế: Tăng tỷ trọng thu nội địa
  • Năm 2011, GDP bình quân đầu người Khánh Hòa đạt 1.800 USD
  • Năm 2010, GDP Quảng Ninh đạt 1.587 USD/người
  • Năm 2011, vốn trái phiếu chính phủ giảm 11.000 tỷ đồng
  • Mỹ dẫn đầu về vốn FDI tại Việt Nam
  • Vinashin "đẩy" phí bảo đảm nợ của Việt Nam tăng vọt
  • 11 tháng, huy động TPCP qua kho bạc đạt 68,3% kế hoạch năm
  • Cam kết ODA cho Việt Nam gần bằng kỷ lục năm ngoái
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!