Ngay từ đầu năm, để bảo đảm tính thanh khoản và hạn chế rủi ro về dư nợ tín dụng, các ngân hàng (NH) đã gần như đóng cửa đối với việc cho vay bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, gần đây, cùng với việc bơm vốn trở lại đối với thị trường chứng khoán, một số NH cho biết tín dụng dành cho BĐS của họ cũng đang được hé mở trở lại.
Người có nhu cầu nhà ở được vay
Theo thống kê mới nhất của NH Nhà nước, dư nợ cho vay BĐS của các NH hiện chiếm 9% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống. Một số NH đã giảm mức dư nợ cho vay BĐS xuống còn dưới 10%. Cụ thể, NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) là 5,87%; NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 3%, chưa tính cho vay mua nhà ở, cải tạo sửa chữa nhà...
Nhờ dư nợ cho vay giảm dần, mức độ rủi ro liên quan đến cho vay BĐS giảm khá nhiều nên một số NH cho vay BĐS trở lại. NH TMCP các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh dành 2.000 tỉ đồng cho vay BĐS, NH TMCP Quân đội (MB) cũng cho biết sẽ cho vay với hạn mức tín dụng không quá 10% hạn mức tín dụng cho vay mà ban lãnh đạo NH đã thông qua... Trước đó, Sacombank và một số NH khác cũng triển khai sản phẩm cho vay mua nhà trả góp.
Mặc dù một số NH đã không còn đóng chặt cửa với BĐS như trước đây, nhưng hầu hết đều đang rất cẩn trọng và hạn mức cho vay còn khá khiêm tốn. Vì thế, đồng vốn này chỉ hướng đến những khách hàng cá nhân là những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự, đáp ứng được một số yêu cầu như: có công việc, thu nhập ổn định, có khả năng chi trả; đối với các chủ đầu tư, đó phải là những dự án thật tốt (theo thẩm định của họ), tại những vị trí đẹp ở Hà Nội và TPHCM; không cho vay đối với giới đầu cơ.
Dự án kéo dài là... chết!
Đáng lẽ, ở thời điểm thị trường BĐS đều đang trong tình trạng “khát” vốn như hiện nay, việc các NH cho vay BĐS phải là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, cả hai đối tượng là người có nhu cầu mua nhà và chủ đầu tư BĐS đều tỏ ra không mấy mặn mà.
Lý giải nguyên nhân vì sao các DN không muốn vay vốn, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết lãi suất như hiện nay, DN không vay mà họ sẽ xoay xở vốn theo cách khác hoặc “treo” dự án của mình chờ thời điểm khó khăn này qua đi. Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE VN, cũng cho rằng chỉ cần dự án kéo dài 4 năm, DN coi như mất trắng vì tiền lãi NH đã quá cao, trong khi hầu hết các dự án đều phải hoàn thành với thời gian tương tự hoặc lâu hơn thế. Cùng quan điểm này, đại diện Công ty Địa ốc Sài Gòn cho biết ngay cả các DN sản xuất, thời gian quay vòng vốn tương đối ngắn còn không dám vay, nói gì đến các DN BĐS.
Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng - Tổng hội Xây dựng VN, đây là thời điểm mua nhà tốt nhất đối với những người có nhu cầu và có khả năng tài chính. Tuy nhiên, nếu vay vốn NH thì lãi suất quá cao, trong vài năm, tiền trả lãi NH đã bằng cả giá trị căn nhà.
Theo chuyên gia BĐS Đinh Thế Hiển, để cung – cầu vốn gặp nhau, cần thiết phải xem xét lại chính sách lãi suất. Việc này không chỉ giải quyết được vấn đề đầu ra cho NH mà còn tháo gỡ được gánh nặng cho cả nền kinh tế.
(Theo NLĐ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com