Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi tư nhân được vay vốn ODA

Cho đến trước khi thông xe tuyến TP.HCM – Trung Lương đầu tháng 2 vừa qua, Việt Nam chưa từng có một cây số đường cao tốc nào. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải đã trở nên trầm trọng trên nhiều tuyến đường ở những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, hay TP.HCM.

Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới và mở cửa, các hoạt động kinh tế bùng nổ đã dẫn đến hệ quả thiếu hụt trầm trọng cơ sở hạ tầng như trên, mà nay, đến lượt nó lại đang trở thành một trong những nút thắt chặt nhất đe doạ quá trình phát triển kinh tế tiếp theo của đất nước.

Cho đến gần đây, hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng,… đều do Nhà nước đảm trách xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách hay ODA. Những nguồn vốn này, theo đánh giá của bộ trưởng Giao thông Hồ Nghĩa Dũng, là không đủ cho nhu cầu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, Nhà nước lại thiếu một hành lang pháp lý nhất quán và minh bạch để khuyến khích giới doanh nghiệp tư nhân trong nước vốn còn non trẻ và thiếu hụt tài chính đầu tư vào lĩnh vực xương sống của nền kinh tế này.

Thực ra, từ gần hai thập kỷ trước Nhà nước cũng đã khuyến khích giới đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này dưới các hình thức BOT, BT và BTO. Gần đây, Chính phủ đã ban hành nghị định 78 về các hình thức đầu tư trên, nhưng theo đánh giá của bộ Kế hoạch và đầu tư, văn bản pháp lý cao nhất này đã xuất hiện nhiều rào cản làm hạn chế thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.

Thống kê gần đây của bộ này cho biết, có ít các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Chỉ có khoảng 80 dự án của giới đầu tư trong nước, và tám dự án khác của nước ngoài theo các hình thức trên, với số vốn tương ứng là 90.000 tỉ đồng và 1,8 tỉ USD đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng giao thông. Những nhà đầu tư tư nhân trong nước trong lĩnh vực này có thể đếm trên đầu ngón tay như Bitexco với dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, hay Nam Cường với những dự án xây dựng đường rất lớn ở Hà Tây.

Những gì diễn ra và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Nhà nước không thể một mình đảm đương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong một nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng này, đầu tháng 2 vừa qua, Ban bí thư đã yêu cầu Chính phủ xây dựng cơ chế để doanh nghiệp của tư nhân được vay vốn ODA. Đây là một trong những chuyển biến đáng chú ý của kết luận số 64-KL/TW liên quan đến việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân do Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang ký.

Tư nhân được tiếp cận nguồn vốn ODA sẽ giúp các dự án sớm được hoàn tất và mang lại lợi ích cho người dân trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có số lượng dự án ODA lớn và nhiều trong số đó thường bị chậm tiến độ. Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba

Chuyển biến này đã ngay lập tức gây chú ý cho một số nhà tài trợ chính. Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba khẳng định, tư nhân được tiếp cận nguồn vốn ODA sẽ giúp các dự án sớm được hoàn tất và mang lại lợi ích cho người dân trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có số lượng dự án ODA lớn và nhiều trong số đó thường bị chậm tiến độ. Đại sứ cũng cho rằng, mô hình công tư hợp doanh (PPP) sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án ODA.

Theo vụ trưởng Kinh tế đối ngoại, bộ Kế hoạch và đầu tư Hồ Quang Minh, các nhà tài trợ đồng tình và ủng hộ chủ trương này của Việt Nam. Bằng chứng là đã có một số chương trình, dự án ODA có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian qua như nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2 (ngân hàng Thế giới), hạn mức tín dụng để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (Đan Mạch, Nhật Bản),…

Hiện tại, các cơ quan chính phủ chưa có chính sách cụ thể, cơ chế và các quy trình thủ tục để hiện thực hoá kết luận của Ban bí thư về việc khu vực tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, một khi việc khu vực tư nhân được tiếp cận tới nguồn vốn ODA trở nên bình thường, chứ không còn là các trường hợp cá biệt thì chắc chắn sẽ xuất hiện những khó khăn ít nhất trên các mặt như thể chế, cơ chế quản lý, thủ tục hành chính, và năng lực con người của cả các cơ quan quản lý nhà nước về ODA lẫn doanh nghiệp tư nhân sử dụng nguồn vốn này.

Gần đây, ngân hàng Thế giới đã tiến hành giúp Chính phủ hoàn thiện khung tài trợ cho mô hình PPP. Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết của tập đoàn Bitexco được lựa chọn làm dự án PPP thí điểm đầu tiên. Dựa trên kinh nghiệm của dự án này, các cơ quan nhà nước và ngân hàng Thế giới sẽ dự kiến hoàn thành cơ sở pháp lý vào cuối năm nay để các nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra phát triển cơ sở hạ tầng.

Những chuyển biến kể trên cho thấy, giới đầu tư tư nhân đang ngày càng có cơ hội lớn hơn và được đảm bảo hơn trong việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng của đất nước. Nhưng liệu những điều đó đã đủ để họ thực sự bỏ vốn ra làm ăn trong một lĩnh vực đang thắt nút nền kinh tế và vượt quá khả năng của Chính phủ?

(Theo Tư Giang // SGTT Online)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • Giảm mạnh vốn ngân sách trong xây dựng cơ bản
  • Kinh tế, tài chính trong nước ngày 9/3/2010
  • Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 32,6 nghìn tỷ đồng
  • Rót vốn cho 35 dự án trung, dài hạn của Thủ đô
  • Kinh tế tài chính trong nước ngày 5/3/2010
  • 2 tháng, TP. HCM thu hơn 18.000 tỷ đồng thuế
  • Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2009
  • Dòng tiền đang được khơi thông
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!