Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất ngoại tệ thấp vẫn bị... chê

Mặt bằng lãi suất huy động ngoại tệ mới đã được thiết lập kể từ ngày 1/6, khi các ngân hàng quốc doanh và Vietcombank chính thức giảm lãi suất xuống mức cao nhất còn 1,5%/năm. Như cam kết đưa ra trước đó với Ngân hàng Nhà nước, ngày 1/6 Vietcombank Hà Nội đã áp dụng lãi suất huy động bằng USD đối với khách hàng cá nhân là 1,5%/năm. Đáng chú ý, đối với tổ chức kinh tế, lãi suất tiền gửi ngoại tệ tại Vietcombank giảm còn 1,4%/năm.

Cũng trong ngày 1/6, BIDV chính thức giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ kỳ hạn 1 tháng còn 0,7%/năm, 3 tháng là 1,1%/năm, 6 tháng là 1,3%/năm, 9 tháng là 1,4%/năm, 12 tháng trở lên là 1,5%/năm. Tại Vietinbank, lãi suất tiền gửi USD hiện cao nhất chỉ còn 1,5%/năm (kỳ hạn 9 - 24 tháng) và 1,47%/năm cho kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống.

Không chỉ với khối ngân hàng quốc doanh, ngay khối ngân hàng cổ phần cũng đã nhanh chóng điều chỉnh lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức cao nhất còn 1,5%/năm. DongA Bank được xem là một trong những ngân hàng cổ phần đầu tiên giảm lãi suất huy động USD xuống 1,5%/năm từ chiều 1/6. Ngày 2/6, SCB giảm lãi suất tiền gửi USD theo biên độ từ 0,3% đến 0,85%/năm, tùy từng kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại SCB hiện nay là 1,65%/năm (kỳ hạn 12 tháng trở lên).

Tuy chưa kịp điều chỉnh lãi suất tiền gửi ngoại tệ trong 2 ngày đầu tuần, nhưng theo Tổng giám đốc Sacombank Trần Xuân Huy, Ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc khi các nhà băng khác đã mạnh tay cắt giảm. Ông Huy cho biết, để cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng vốn ngoại tệ thì đây là một biện pháp cần tính đến. Bởi thực tế, trong 5 tháng đầu năm và nhất là từ tháng 2/2009 đến nay, khi Chính phủ triển khai các gói vốn hỗ trợ lãi suất, kích cầu, hầu hết doanh nghiệp đã chuyển sang vay VND, trong đó có cả nhà nhập khẩu, vì vay vốn bằng ngoại tệ sẽ không được hưởng hỗ trợ lãi suất 4%/năm và lo ngại biến động rủi ro tỷ giá khi tăng cao vào thời điểm đầu năm.

Sau cuộc điều chỉnh lãi suất tiền gửi ngoại tệ lần này, lãi vay vốn bằng ngoại tệ cũng được các ngân hàng cam kết hạ xuống mức cao nhất còn 3%/năm. Để thu hút khách hàng doanh nghiệp vay ngoại tệ, các ngân hàng cổ phần không thể duy trì lãi vay cao hơn mức trên. Nhưng liệu lãi vay USD giảm, ngân hàng có “hút” doanh nghiệp vay ngoại tệ? Theo nhận định của ông Huy, điều này còn tùy thuộc vào sự tính toán của nhà nhập khẩu khi có nhu cầu thanh toán tiền hàng. Trong 2 tháng qua, nhu cầu vay vốn bằng USD tại Sacombank chưa có dấu hiệu tăng trưởng.

Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh cũng cho hay, nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp đã giảm hẳn trong 3 tháng gần đây. Do đó, với động thái giảm lãi suất đầu vào và đầu ra đối với ngoại tệ lần này, hy vọng nhà nhập khẩu sẽ quay trở lại vay USD như trước. Thực tế, nếu so sánh giữa lãi vay VND (sau khi trừ mức hỗ trợ còn trên dưới 5%/năm) thì lãi suất cho vay USD với mức cao nhất còn 3%/năm hiện nay cũng tạo được tính hấp dẫn với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết, mặc dù lãi suất vay vốn bằng ngoại tệ đã giảm, nhưng rủi ro về biến động tỷ giá là khó lường. Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, rủi ro về biến động tỷ giá trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Chính lý do này khiến nhiều doanh nghiệp chuyển sang vay vốn bằng VND, sau đó mua ngoại tệ để thanh toán. 

Còn theo lý giải của ông Phan Văn Dũng, Giám đốc tài chính, Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (HLAC), nếu so với lãi vay vốn bằng USD thì hiện vay VND vẫn có lợi hơn. Một phần, do HLAC là đơn vị sản xuất và sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài nên thuộc diện được hỗ trợ 4%/năm lãi suất. Do đó, mặc dù 100% nguyên liệu sản xuất là phải nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng HLAC cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp chủ yếu vay VND để phục vụ sản xuất - kinh doanh. Ông Dũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường những tháng đầu năm, vay VND, ngoài hưởng hỗ trợ lãi suất, còn tránh được rủi ro về biến động tỷ giá. Hiện lãi suất cho vay USD giảm xuống mức cao nhất còn 3%/năm, nhưng HLAC vẫn chưa có ý định vay ngoại tệ trở lại. Bởi theo ông Dũng, ngoài mức lãi vay 3%/năm, nếu sử dụng vốn vay bằng USD, doanh nghiệp phải cộng thêm khoản dự phòng về rủi ro biến động tỷ giá.  

Trả lời doanh nghiệp trong các cuộc họp gần đây về rủi ro biến động tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt dựa trên diễn biến của thị trường, có sự can thiệp của Nhà nước, nhưng chủ trương của Chính phủ là không phá giá đồng nội tệ. Đại diện một ngân hàng tại TP. HCM cho biết, so với 3 tháng đầu năm, hiện nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đã phần nào giảm bớt việc lo ngại về biến động tỷ giá và bắt đầu có xu hướng vay lại USD, nhất là khi lãi suất giảm sâu.

(Theo ĐTCK)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!