Doanh nghiệp (DN) Việt Nam vốn đã khó khăn, giờ thêm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lại càng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đã ví việc những khó khăn mà các DN thép đang gặp phải chỉ trong một thời gian ngắn là đã hứng chịu "hai đòn đau", khiến khó khăn của DN càng lớn hơn gấp bội.
"Cách đây mấy tháng, DN phải vay vốn với mức lãi suất cao, giá đầu vào một loạt sản phẩm cũng rất cao để sản xuất. Nếu giá hàng hóa trên thị trường giảm dần, thì giá bán ra vẫn có thể đảm bảo có lợi nhuận. Nhưng nếu giá hàng hóa, mặc dù vẫn cao, song giảm mạnh, giảm quá nhanh như hiện nay, thì có thể DN sẽ gặp khó khăn thêm một lần nữa. Họ phải đầu tư sản xuất với chi phí cao, nhưng lại bán ra với giá thấp, như vậy là DN đã chịu hai đòn trong một thời gian ngắn", ông Cung lý giải cho nhận định của mình.
Cũng liên quan đến những khó khăn mà các DN đang gặp phải, cách đây chưa lâu, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, DN Việt Nam vốn đã khó khăn, giờ thêm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì lại càng khó khăn hơn.
Đúng là khó khăn đối với DN Việt Nam hiện nay, không chỉ là thiếu vốn, khó vay vốn, hay phải vay vốn với lãi suất quá cao như cách đây vài tháng nữa, mà giờ, DN còn phải đối mặt với sức mua đang giảm sút mạnh của cả thị trường trong nước lẫn thế giới.
Theo ông Cung, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến khu vực sản xuất, bởi nhu cầu tiêu dùng hiện đã giảm rất mạnh, đặc biệt ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, vốn là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. "Nếu chỉ giảm về giá, thì lợi nhuận của DN sẽ giảm, nhưng có thể công ăn việc làm chưa mất. Tuy nhiên, nếu giảm cả số lượng, các hợp đồng, đơn hàng đã ký thì vẫn thực hiện, nhưng hợp đồng mới không ký nữa, sản xuất sẽ bị gián đoạn.
Thực tế này đang diễn ra với xuất khẩu của Việt Nam, tức là đã giảm cả giá và lượng. Như vậy sẽ có tác động đáng kể đến DN sản xuất hàng xuất khẩu, có thể phải cắt lương, thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa, người lao động không có việc làm...", ông Cung nói.
Thực tế này cũng đã được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đề cập trong một báo cáo gần đây về những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo Trung tâm này, đối với hầu hết DN Việt Nam nói chung, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể, chi phí đầu vào tăng tất yếu dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng.
Tuy nhiên, DN lại không dễ để tăng giá đối với các loại hàng hóa, vì thu nhập của người tiêu dùng có hạn, lại có xu hướng cắt giảm chi tiêu do lạm phát. Đây cũng là lý do khiến nhiều DN hoạt động cầm chừng, thậm chí là ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều DN đã được đầu tư hoàn chỉnh, công nghệ hiện đại, lao động đã sẵn sàng, thị trường đều có, nhưng do giá nguyên vật liệu tăng cao, các sản phẩm làm ra không tiêu thụ được trên thị trường như trước đây, trong khi lại không tìm được nguồn vốn, nên họ phải ngừng sản xuất, hoặc bán lại một phần hay toàn bộ DN.
Đó là một thực tế cần được tính tới, bởi theo nhận định của ông Cung, giá các mặt hàng trên thị trường khó có thể tăng trong thời gian tới. "Không có tác động từ bên ngoài có thể làm tăng giá. Thị trường trong nước cũng vậy, mình đang thắt chặt tiền tệ, tài khóa như thế thì cũng khó tăng giá. Nếu thế thì DN sẽ khó khăn", ông Cung nói và cho rằng, trong bối cảnh thế này thì phải có biện pháp để giảm chi phí cho DN và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Có thể giúp DN giảm chi phí bằng cách giảm lãi suất vay vốn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhiều hơn, dễ hơn. Điều này vừa rồi nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu thực hiện.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, gần đây, nhiều ý kiến đã đề cập vấn đề giảm phát, thiểu phát, qua đó phải kích cầu để thúc đẩy sản xuất. Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Cung cho rằng, không nên đặt vấn đề giảm phát, hay kích cầu, bởi có hay không có chuyện đó còn nhiều ý kiến khác nhau.
"Thực trạng hiện nay như thế nào thì ai cũng thấy, Chính phủ cũng phải thấy để tính toán và có giải pháp ngay", ông Cung nói và bày tỏ quan điểm rằng, để hỗ trợ DN mà không làm tăng giá trở lại, tác động đến lạm phát, thì nên nới lỏng chính sách tiền tệ, chứ không nên mở rộng tài khóa. Bởi lẽ, mở rộng tài khóa có thể lại làm kích cầu đầu tư, trong khi việc quản lý vốn nhà nước chưa hiệu quả, khiến lạm phát quay trở lại trong vài năm nữa.
"Nới lỏng tiền tệ nhưng vẫn phải thận trọng, làm sao để đưa vốn được đến nơi cần đến, đến những DN sản xuất - kinh doanh, tạo ra giá trị tăng trưởng. Chính phủ phải có chỉ đạo về vấn đề này, nếu không cuối cùng đồng vốn lại vẫn đổ vào những DN thương mại, DN lớn. Hoặc có thể, nên có chính sách giảm thuế thu nhập DN cho những DN vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc... Đây cũng là mở rộng tài khóa, nhưng tốt hơn là bội chi để tăng đầu tư", ông Cung nói.
( Cổng thông tin kinh tế )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com