Đó là công bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu, trước thông tin lãi suất cơ bản hạ nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận vốn.
Thưa ông, vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng, có thể xem việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất nhằm giúp DN giảm bớt khó khăn về vốn cũng là một bước nới lỏng chính sách tiền tệ. Ý kiến của ông ra sao?
Theo tôi, khó khăn của DN do nhiều yếu tố, như đầu vào, cung cách quản lý, chứ không phải hoàn toàn do lãi suất ngân hàng. Tôi xin nhấn mạnh, việc hạ lãi suất ngân hàng chắc chắn sẽ mở rộng cho vay, nhưng không có nghĩa là nới lỏng các điều kiện tín dụng để phát sinh nợ xấu.
Một số ý kiến đánh giá hạ lãi suất cơ bản để giảm lãi suất huy động và cho vay là nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng thực chất không phải. Đây hoàn toàn là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều hành tiền tệ một cách linh hoạt.
Mặc dù không thiếu vốn, nhưng để tránh nợ xấu, nhiều ngân hàng dè chừng trong cho vay, vì thế DN vẫn khó tiếp cận vốn. Theo ông, giải quyết mâu thuẫn này thế nào?
Tôi không nghĩ bên thừa vốn, bên thiếu vốn. Trong điều kiện khủng hoảng tài chính như hiện nay, các ngân hàng trên thế giới bao giờ cũng ưu tiên cho thanh khoản để tránh rủi ro.
Hiện tại, để các ngân hàng thương mại có tính thanh khoản cao hơn, mục tiêu cũng là huy động vốn để cho vay, nhưng muốn vay được thì các DN phải có những dự án tốt, dự án khả thi. Cơ quan quản lý không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc ngân hàng phải cho DN nào đó vay vốn. Theo số liệu từ 34 tỉnh, thành phố gửi về cách đây 3 hôm, có đến 90% hồ sơ vay vốn của DN tại các ngân hàng thương mại được chấp thuận. 10% còn lại không được chấp thuận do chưa đáp ứng yêu cầu.
Để có thông tin minh bạch, trong những ngày tới, tôi sẽ có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải nêu lý do trong trường hợp không cho DN vay vốn. Nhưng điều còn băn khoăn là tính bảo mật thông tin, bởi nếu các cơ quan thông tin mà công bố thông tin đó thì sẽ bất lợi cho hoạt động của DN.
Theo Thống đốc, với tình hình hiện nay, lãi suất ngân hàng khoảng bao nhiêu là phù hợp?
Theo tôi, không nên đặt ra con số này, vì ngân hàng là tổ chức trung gian đi vay để cho vay. Không thể nói bao nhiêu phần trăm là vừa, mà phải tính toán nhiều yếu tố, căn cứ vào thực tế. Việc có hạ lãi suất nữa hay không là căn cứ vào quan hệ cung - cầu. NHNN chỉ định hướng chính sách, tác động chính sách để các ngân hàng đi theo hướng đó mà thôi. Tất nhiên, khi chúng ta kiềm chế được lạm phát, thì xu hướng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm dần là hợp lý.
Với chính sách tiền tệ như hiện nay thì tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến bao nhiêu phần trăm, thưa Thống đốc?
Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 19,6%. Những tháng cuối năm là thời vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất các các mặt hàng phục vụ Tết, nên nhu cầu tín dụng sẽ cao hơn, do vậy có thể tác động đến tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhưng không nhiều.
( Cổng thông tin kinh tế )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com