Tháng 4-2009, Bộ Tài chính có công văn 4927/BCT-CST ban hành các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu tương ứng với giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng thực hiện, văn bản này đã bộc lộ những bất cập cần điều chỉnh.
Theo Nghị định 55/2007/NĐ - CP, kinh doanh xăng, dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), thì giá bán mặt hàng này trên thực tế không như vậy.
Quy định bất khả thi
Đây là nguyên nhân chính khiến việc điều hành chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu theo barem ban hành tại công văn 4927/BTC- CST không thực hiện được. Thuế nhập khẩu xăng dầu hiện đang được quyết định sau khi cân đối đầy đủ các yếu tố: chi phí xăng dầu nhập khẩu (theo giá bán trên thị trường); thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng là 10%); thuế giá trị gia tăng (với cả xăng lẫn dầu là 10%); phí xăng dầu (khoản thu tuyệt đối cố định tính trên một đơn vị xăng dầu); chi phí sản xuất, chế biến, pha chế; chi phí lưu thông. Trên cơ sở các chi phí nêu trên, căn cứ giá bán ra (có sự quản lý của Nhà nước), Bộ Tài chính mới quyết định được mức thuế nhập khẩu phù hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp do giá xăng dầu thế giới tăng cao, thuế nhập khẩu đã giảm nhưng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn bị lỗ, và Bộ Tài chính vẫn phải bù lỗ (năm 2008 là một một ví dụ); ngược lại có trường hợp giá xăng dầu xuống thấp, thuế nhập khẩu đã được tăng hết khung (theo cam kết WTO, mức tối đa là 40%), giá bán xăng dầu trong nước đã hạ thấp, nhưng nếu Bộ Tài chính xác định doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn còn lãi lớn thì doanh nghiệp phải thực hiện trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Với cách điều hành này, mặt hàng xăng dầu tiếng là kinh doanh theo cơ chế thị trường nhưng vẫn chịu sự điều hành, quản lý của Nhà nước dẫn tới không thể thực hiện việc tính thuế nhập khẩu theo barem đã ban hành.
Biểu thuế cũng chưa hợp lý
Không những thế Vụ Chính sách thuế cũng nhận thấy rằng, mức thuế quy định theo Công văn 4927/BTC- CST chưa phản ánh đúng mục tiêu động viên các nguồn thu ngân sách từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu, nhiều trường hợp mức thu quy định còn tương đối cao.
Mặt khác, các mức thuế suất, ngưỡng giá được thiết kế trong biểu thuế chưa có sự liên kết hữu cơ giữa các sản phẩm xăng dầu khác nhau nên khi có biến động đã có độ sai lệch lớn về thuế suất áp dụng giữa các sản phẩm. Thực tế này không chỉ khiến cơ quan quản lý lúng túng mà doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong kinh doanh.
Sửa thế nào?
Chính vì vậy Vụ Chính sách thuế đã soạn thảo văn bản sửa đổi barem tính thuế nhập khẩu xăng dầu. Việc điều chỉnh này sẽ tuân thủ các nguyên tắc: giá bán xăng dầu cần thực hiện cơ bản theo hướng: giá thị trường do doanh nghiệp quyết định trên cơ sở giá vốn nhập khẩu, giá thành sản xuất, chế biến, pha chế, các loại thuế, phí, chi phí lưu thông, lợi nhuận hợp lý. Cụ thể các khoản thu ngân sách Nhà nước sẽ không điều chỉnh (gồm thuế TTĐB, GTGT, phí xăng dầu); chi phí lưu thông, pha chế, chế biến do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quyết định; trong điều kiện bình thường không tính khoản trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Việc điều hành mức thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ căn cứ vào biến động giá dầu tồn khi lưu thông bình quân 30 ngày trước đó (theo Dự thảo sửa đổi NĐ 55/2007/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu). Theo tính toán của Vụ này, barem thuế nhập khẩu xăng dầu mới được điều chỉnh sẽ phù hợp với diễn biến thực tế thị trường hơn, đồng thời vẫn đảm bảo giữ ổn định tổng thu ngân sách đối với xăng dầu nhập khẩu (khoảng 40.920 tỷ đồng).
Các điều chỉnh này hiện đang được lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan. Điều doanh nghiệp quan tâm là liệu tính toán lần này của Vụ Chính sách thuế đã “dài hơi” chưa... Xăng dầu là một mặt hàng “nhạy cảm”, có ảnh hưởng lớn đến cục diện phát triển kinh tế đất nước nên rất cần chính sách điều hành quản lý nhất quán và khôn khéo.
(Theo Hương Viên // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com