Chủ tịch Cty kiều hối Đông Á - ông Lê Trí Thông nhận định, với lượng kiều hối từ đầu năm đến nay đạt trên 6 tỷ USD, bằng với năm 2007, cộng với việc kiều hối thường về mạnh vào dịp cận Tết, năm 2008 sẽ là năm có lượng kiều hối cao nhất từ trước đến nay.
Vụ quản lý ngoại hối (NHNN Việt Nam) cho hay, 6 tháng đầu năm lượng kiều hối chuyển về nước đạt gần 3,5 tỷ USD và thường thời gian cận Tết kiều hối sẽ về mạnh.
Từ đầu năm đến nay nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã chi trả trên 500 triệu USD tiền kiều hối như VCB, Agribank, Đông Á, Sacombank, ACB…
Ông Lê Trí Thông nói: “Tính đến hết tháng 11/2008 thì Cty Kiều hối Đông Á đã chi trả 1,1 tỷ USD, cao hơn 100 triệu USD so với cả năm 2007”.
Những tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008 là thời điểm kiều hối ồ ạt về Việt Nam khi Việt kiều đã chuyển tiền về không những để đầu tư, kinh doanh, mua bất động sản mà còn gửi tiết kiệm lấy lãi! Mức lãi suất gửi dưới 5% ở nhiều nước phát triển, trong khi lãi suất tiền gửi của các ngân hàng trong nước 15% , rất hấp dẫn đối với người gửi.
Ông Nguyễn Ngọc Lân, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối (NHNN Việt Nam) cho rằng kiều hối tăng mạnh là do Nhà nước đã có nhiều chính sách thông thoáng hơn về quản lý ngoại hối và ưu đãi cho Việt kiều, trong đó có việc khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư, mua nhà tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách tỉ giá được duy trì tương đối ổn định cùng với những khó khăn về tình hình kinh tế Việt Nam đã lắng xuống góp phần hút kiều hối về nhiều hơn.
Ngoài Việt kiều ở Mỹ, Australia, EU… 5 năm trở lại đây, người đi xuất khẩu lao động, chuyên gia Việt Nam, lưu học sinh đang làm việc và học tập tại nước ngoài đã đóng góp rất lớn trong số kiều hối chuyển về Việt Nam (năm 2007 đã đạt 1,7 tỷ USD và dự kiến năm nay khoảng 2,5 tỷ USD).
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 500.000 người Việt đang làm việc ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và phần đông dành đến 70-80% thu nhập để gửi về nước.
GĐ Cty kiều hối Đông Á- ông Trần Văn Trung khẳng định dù kiều hối do người lao động gửi về từ Trung Đông, Đông Nam Á chưa bằng Việt kiều từ Mỹ, EU, Úc… nhưng đang tăng theo cấp số nhân.
Vừa qua có ngân hàng, Cty đã cho người lao động vay tiền mua vé máy bay, chi tiêu ban đầu trước khi đi xuất khẩu lao động , sang tận nước mà người lao động làm việc để tìm khách hàng cũng như đặt văn phòng, mở các dịch vụ hỗ trợ.
Ông Nick Cunnew - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Money Gram (Tập đoàn có doanh số chuyển tiền trung bình 1 tỉ USD/ngày trên toàn thế giới) đánh giá, với hơn 3 triệu Việt kiều sinh sống ở nước ngoài, thị trường kiều hối Việt Nam rất có triển vọng và còn phát triển mạnh.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới năm 2006, 2007. Tuy nhiên nhiều chuyên gia tài chính nhận định kiều hối năm 2009 sẽ khó khăn hơn do Việt kiều, người lao động Việt Nam ở nước ngoài sẽ phải đối mặt với công ăn việc làm khó khăn, nhiều khoản nợ phải trả, tình hình tài chính nước sở tại và doanh nghiệp của họ chưa hồi phục, thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm…
Ước tính lượng kiều hối năm 2008 lớn gấp 160 lần năm 1991, trung bình hàng năm tăng trên 35%. Trong 17 năm qua, tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt khoảng 35 tỷ USD, bằng 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 1998-2007, cao gấp 1,5 lần lượng vốn ODA được giải ngân từ 1993. Năm 2007, lượng kiều hối tương đương gần với 10% GDP của Việt Nam.(Theo TPO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com