Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cho vay tiêu dùng: Tiềm năng lớn!

Cùng với các chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích cầu, thị trường tiêu dùng cuối năm cũng là dịp để các nhà phân phối hợp tác với các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, so với thời điểm bùng nổ cuối năm 2007 thì những tháng cuối năm 2008, hoạt động này vẫn chỉ cầm chừng. Mặc khác, trong khi các tổ chức tài chính nước ngoài đã mạnh dạn cho vay thì các ngân hàng “nội” hầu như vẫn khép cửa đối với đối tượng khách hàng này.

Nhu cầu lớn

Theo thống kê của các NHTM tính tới ngày 30/10, hệ thống NHTM thừa khoảng 90.000 tỷ đồng, trong khi đó dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối tháng 9/2008 của cả hệ thống đạt 79.700 tỷ đồng, chiếm 6,54% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tính trung bình mức dư nợ vay tiêu dùng theo đầu người chỉ đạt khoảng 921.000 đồng/người. Và theo các chuyên gia trong ngành thì đây là con số quá thấp so với tiềm năng thị trường của Việt Nam. Điều này không những khiến người dân khó có cơ hội tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ mà còn khiến các doanh nghiệp và ngân hàng giảm đáng kể thị phần.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển ngân hàng Ngân hàng Nhà nước nhận định, khảo sát của tập đoàn tư vấn BCG cũng cho thấy mặc dù cho vay tiêu dùng chỉ chiếm 30%-35%/tổng dư nợ nhưng tạo ra trên 60% lợi nhuận của các NHTM hàng đầu châu Á. Lý do rất đơn giản cạnh tranh khốc liệt đã khiến cho tín dụng doanh nghiệp có mức sinh lời ngày càng giảm, trái lại tín dụng tiêu dùng (kể cả thẻ tín dụng) đang có tốc độ tăng mạnh mẽ.

NHNN cũng đã “bật đèn xanh” cho các NHTM nới rộng cho vay các lĩnh vực mà lâu nay họ còn ngần ngại, nhất là bất động sản và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng đối với sản xuất của doanh nghiệp, ngăn ngừa nguy cơ giảm phát và thiểu phát tiềm tàng. Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) cho biết, theo chủ trương chung của Chính phủ, nhằm kích cầu thị trường nội địa và thúc đẩy sản xuất phát triển, ngân hàng này có chủ trương mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng, song không phải là tiêu dùng xa xỉ.

BIDV hay LienVietBank đều đang tăng cường tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, BIDV cam kết sẽ đạt mục tiêu tổng dư nợ cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2008-2010 đạt con số 60.000 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ của ngân hàng này. Tuy nhiên, con số cụ thể dành cho vay tiêu dùng tính tới thời điểm này chưa được người đứng đầu BIDV đưa ra. LienVietBank mở rộng hơn cho cả dự án phát triển làng nghề; cho CBCNV, hộ gia đình, cá nhân vay mua nhà, đất, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở và các nhu cầu vay liên quan tới bất động sản...

Cho vay tiêu dùng được xem là nghiệp vụ chiếm thị phần lớn và đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho các tổ chức tín dụng. Hầu hết tổ chức tín dụng đều đã tiến hành cho vay tiêu dùng từ 10 năm nay, nhưng thị trường này chỉ thật sự sôi động trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi có sự tham gia của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính nước ngoài.

Vẫn khó vay

Các ngân hàng thương mại cổ phần, những nhà cung cấp mạnh mẽ tiêu dùng tín chấp vào năm trước đã gần như ngừng hẳn hoạt động này. Cho vay tín chấp hiện nay gần như chỉ có hai công ty tài chính “bao sân”, là công ty tài chính Prudential và công ty tài chính Việt SG. Tiêu chuẩn vay ở Prudential cũng khá cao. Theo đó, mức cho vay là gấp sáu lần lương với lương tối thiểu là ba triệu đồng, phải có hộ khẩu tại thành phố. Trong khi trước đó, hồ sơ vay ở HSBC Việt Nam, có giấy tạm trú là được chấp nhận.

Các ngân hàng đều cho biết đang đẩy mạnh cho vay, nhưng với tiêu dùng tín chấp còn dè dặt và cẩn trọng, các tiêu chuẩn thắt chặt lại và nhóm khách hàng cũng thu hẹp. HSBC Việt Nam tuyên bố vẫn tạm ngừng cho vay tín chấp, chỉ chấp nhận cho vay thế chấp với lãi suất hiện ở mức 16,5%/năm. Techcombank - một trong những ngân hàng hàng đầu cho vay tín chấp năm ngoái, giờ đây cũng chưa cho vay lại tín chấp, mà chỉ chấp nhận cho vay tín chấp dưới dạng thấu chi.

Hiện nay nếu có cho tín chấp, ngân hàng chỉ gắn chặt với một số nhà bán lẻ như các siêu thị điện máy lớn, trung tâm thiết bị số… hoặc tập trung vào công nhân viên những công ty nước ngoài. Đồng thời nâng cao chuẩn vay như ngân hàng ACB, vay tín chấp mức lương tối thiểu phải năm triệu đồng, hạn mức chỉ gấp bốn lần lương, và phải có hộ khẩu hoặc KT3. Ngân hàng An Bình vừa bắt đầu cho vay tín chấp lại tuần rồi, nhưng chỉ tập trung vào nhóm đối tượng trung – cao cấp, làm ở đơn vị nước ngoài, thu nhập từ năm triệu đồng trở lên, thời hạn cho vay mua xe giảm xuống còn 10 năm, không còn 15 – 20 năm như trước nữa.

Đó là chưa nói lãi suất cho vay vẫn rất cao và quá trình trả nợ tính trên dư nợ ban đầu. Thí dụ như ở ngân hàng ACB, lãi suất cho vay tín chấp với mức 40 triệu là 15,24%/năm. Theo nhiều ngân hàng, đầu tháng 12 trở đi nhu cầu vay mới thực sự khởi động, vì vậy việc đẩy mạnh cho vay sẽ bắt đầu mạnh vào đầu tháng 12 này.

Vướng trần lãi suất

Ngày 16/5/2008, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN, chính thức đưa cơ chế điều hành lãi suất theo trần. Cụ thể, từ ngày 19/5/2008, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản (như quy định tại Bộ luật Dân sự). Quyết định này, dù có chủ ý hay không, cũng có hiệu lực đối với cho vay tiêu dùng và tín dụng bán lẻ (hiện khống chế ở mức tối đa 16,5%/năm). Và theo đánh giá của Tiểu ban Tín dụng tiêu dùng thuộc Nhóm công tác ngân hàng của hội nghị trên, “nếu mức trần được áp dụng như vậy sẽ gây tác hại nặng nề tới tín dụng bán lẻ ở Việt Nam”. Phân tích cho thấy, trần lãi suất này sẽ ngăn cản tất cả các khoản cho vay có lãi suất xác định dựa trên thống kê yếu tố rủi ro đối với người vay cao hơn mức trần này. Ngay với cho vay doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng thường có rủi ro và chi phí cao hơn nhưng vẫn chịu chung một “trần”. Hậu quả của quyết định trên ngân hàng ngừng hoặc hạn chế cho vay loại này, đẩy một phần lớn khách vay ra khỏi thị trường tín dụng chính thức/có điều tiết để gia nhập thị trường phi chính thức/chợ đen; làm giảm sự phát triển của việc cho vay dựa trên những đánh giá khách hàng kỹ càng và quản lý rủi ro chặt chẽ, và do vậy bộ phận có rủi ro cao hơn sẽ không được phục vụ đúng mức. Đi cùng với những phân tích trên, đại diện Tiểu ban Tín dụng tiêu dùng khuyến cáo “Quyết định 16 sẽ làm thui chột ngành tín dụng tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam trước khi nó đạt đến một khối lượng đủ lớn”.

Điều đó xảy ra không chỉ đúng với các tổ chức tín dụng nước ngoài mà cả với các ngân hàng trong nước. Sản phẩm mới như cho vay không có bảo đảm dưới hình thức vay trả góp hay thẻ tín dụng sẽ bị cắt giảm hay chuyển thành khoản vay “có bảo đảm”, và do đó sẽ làm giảm khả năng thâm nhập và tác động tích cực của lĩnh vực dịch vụ tài chính còn mới mẻ này.

Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam khuyến nghị rằng: trong điều kiện cần lấp khoảng trống khi nhu cầu trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần phải kích thích tiêu dùng trong nước, trong đó cần có quy định riêng biệt cho dịch vụ cho vay cá nhân, khác với cho vay doanh nghiệp. “Tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng GDP ở Việt Nam. Chính vì vậy dịch vụ ngân hàng bán lẻ cần được khuyến khích mở rộng và phát triển thay vì áp đặt trần lãi suất như hiện nay”, ông Ashok Sud nói.

(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • BIDV kí kết các thoả thuận hợp tác với ngành dầu khí
  • Giảm lãi suất cơ bản xuống 10%
  • Nợ xấu của Eximbank có khả năng bị mất là 200 tỷ đồng
  • Cam kết vốn ODA trước giờ G
  • Agribank cho vay 3.500 tỷ đồng ưu đãi thu mua lúa gạo
  • Kiều hối của Việt Nam sẽ giảm
  • Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ “đẻ” ra lạm phát
  • Ngân hàng - Doanh nghiệp : gió đảo chiều !
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!