Ngày 23.3 vừa qua, theo yêu cầu của Chính phủ, bộ Kế hoạch và đầu tư đã có tờ trình đề án “Những giải pháp, chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Cho dù nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng khá cao, trung bình 7,56% từ năm 1991 đến năm 2008, nhưng ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị xem lại chất lượng và mô hình tăng trưởng. Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, tăng trưởng của nước ta trong khoảng gần 20 năm qua là ở “dưới mức tiềm năng, chưa thật bền vững và ổn định”. Tăng trưởng có xu hướng dựa ngày càng nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và ngành công nghiệp chế biến, ít tạo ra việc làm và hiệu quả chưa cao. Đóng góp của tăng năng suất lao động vào tăng trưởng còn thấp. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thô: nông sản, khoáng sản và sơ chế.
Báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người Việt Nam còn thấp và có xu hướng chững lại từ năm 2005. Tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại và thiếu bền vững. Đáng chú ý là tăng trưởng nhanh lại đi đôi với tăng ô nhiễm môi trường, và những ngành gây ô nhiễm nhất lại là những ngành đóng góp nhiều vào việc tạo công ăn việc làm và tăng trưởng ở các trung tâm công nghiệp, đầu tàu tăng trưởng của cả nước.
Đánh giá kỹ hơn về chất lượng tăng trưởng, bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng tăng trưởng kinh tế của nước ta trong những năm qua có năm hạn chế cơ bản.
Thứ nhất là về mô hình tăng trưởng. Tăng trưởng của nước ta chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên nhưng chưa tạo được lợi thế cạnh tranh. Các ngành tăng trưởng thuần tuý nhờ khai thác, sử dụng tài nguyên như các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, khai mỏ… luôn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 30% trong GDP giai đoạn 1991 – 2008. Động lực của tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là các ngành gia công, chế biến có chi phí trung gian cao, lệ thuộc vào nhập khẩu, dễ gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn ngoại tệ. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành, vùng kinh tế ngày càng dựa vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng nguồn vốn này phân bổ không đồng đều, chất lượng chưa cao và cũng chưa đóng góp được nhiều vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Cho dù nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng khá cao, trung bình 7,56% từ năm 1991 đến năm 2008, nhưng ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế đề nghị xem lại chất lượng và mô hình tăng trưởng. |
Các khu công nghiệp, khu kinh tế tuy được coi là điểm tựa cho tăng trưởng nhưng những năm gần đây, cùng với sự bùng phát về số lượng khu công nghiệp, rất nhiều vấn đề xã hội nảy sinh: nông dân mất đất, ô nhiễm môi trường, tình trạng đình công, thiếu nhà ở cho công nhân… Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhưng cơ cấu xuất khẩu chậm thay đổi, chủ yếu là xuất hàng thô, sơ chế, năng lực cạnh tranh kém… Đáng chú ý, theo các tác giả đề án, tuy khu vực kinh tế nhà nước được xác định là chủ đạo nhưng ngày càng bộc lộ những bất cập trong sử dụng, phân bổ nguồn lực hiệu quả và chậm cải thiện năng suất lao động.
Hạn chế thứ hai là hiệu quả, chất lượng đầu tư thấp: hệ số ICOR ngày càng cao, nền kinh tế ngày càng cần nhiều vốn hơn để tăng trưởng trong khi cơ cấu đầu tư mất cân đối, đầu tư cho con người và công nghệ còn thấp.
Thứ ba là những nền tảng cơ bản của tăng trưởng (giáo dục và y tế cơ bản, cơ sở hạ tầng, sự ổn định kinh tế vĩ mô, thể chế kinh tế xã hội), hiệu quả và năng lực cạnh tranh chậm cải thiện.
Thứ tư là những yếu tố đóng góp vào việc tăng chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thiếu và yếu. Những yếu tố đó bao gồm: chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả các thị trường sản xuất (lao động, đất đai, công nghệ), năng lực sáng tạo, đổi mới công nghệ…
Cuối cùng là hiệu quả quản lý nhà nước thấp và chậm được cải thiện: văn bản quy phạm pháp luật ban hành rất nhiều nhưng còn có những quyết định sai, không phù hợp với thực tiễn; cách thức xây dựng chính sách còn thiếu khoa học, thiếu chuyên nghiệp, cắt khúc, có biểu hiện lợi ích cục bộ. Bộ máy hành chính các cấp cồng kềnh, năng lực yếu, làm ảnh hưởng đến chất lượng chính sách và tổ chức thực hiện.Để khắc phục những hạn chế trên, trong phần định hướng chính sách, đề án nêu ra một số đề xuất như: chuyển mô hình tăng trưởng hiện tại sang mô hình dựa vào tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, lấy tốc độ tăng năng suất lao động làm mục tiêu xuyên suốt, làm căn cứ xây dựng chính sách thay cho chạy theo chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng; xoá bỏ các rào cản đối với việc sử dụng hiệu quả nguồn lực; xây dựng cho được các chỉ tiêu thúc đẩy tăng năng suất bền vững…
(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com