Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của kiểm toán nhà nước

Năm 2008 có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn đối với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước giai đoạn 2006-2010, cũng là năm bản lề hướng tới kỷ niệm 15 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
 
Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt năm 2008 của KTNN là: "Xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên trong sạch về đạo đức, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, giàu lòng yêu nghề; nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng kiểm toán, chú trọng hiệu quả kiểm soát chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên nhà nước". Nhìn lại năm 2008, có thể đánh giá năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán đã được nâng cao một bước quan trọng sau mười bốn năm hoạt động thực tiễn và sau ba năm triển khai thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước.NĂM 2008, năng lực kiểm toán được tăng cường đáng kể.
 
Thực hiện Nghị quyết số 1123/2007/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11, KTNN đã thành lập và triển khai hoạt động thêm bốn cơ quan KTNN khu vực tại các tỉnh Quảng Ninh (khu vực Ðông Bắc), Yên Bái (khu vực Tây Bắc), Khánh Hòa (khu vực Nam Trung Bộ) và Tiền Giang (khu vực Sông Tiền), đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với kiểm toán ngân sách địa phương. Năm 2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm thêm ba Phó Tổng KTNN, bảo đảm đủ cơ cấu và số lượng cán bộ lãnh đạo cấp cao. Cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức được củng cố, tăng cường với việc thành lập thêm các phòng thuộc các Vụ tham mưu; tiếp nhận và tuyển dụng thêm hơn 270 công chức, công chức dự bị.
 
Tổng KTNN cũng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 63 cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng, khắc phục sự thiếu hụt của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và cán bộ cấp trưởng đoàn, tổ trưởng các tổ kiểm toán. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán được hoàn thiện, đáng chú ý là Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước được ban hành là căn cứ pháp lý và nghề nghiệp để nâng cao chất lượng kiểm toán đi đôi với quản lý, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Công tác tư tưởng, xây dựng đội ngũ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng. Ban Cán sự đảng KTNN đã ban hành Nghị quyết "Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới"; phối hợp với Ðảng ủy tăng cường chỉ đạo Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" bằng Chương trình hành động cụ thể với nhiều hoạt động và giải pháp thiết thực; ban hành hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc thành lập và tổ chức sinh hoạt Ðảng theo Chi bộ tạm thời tại các Ðoàn và Tổ kiểm toán.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã chú trọng nhiều hơn cho tập huấn, hướng dẫn triển khai các văn bản thi hành Luật Kiểm toán nhà nước, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng lãnh đạo và văn hóa nghề nghiệp cho hàng nghìn lượt công chức, kiểm toán viên; cử hơn 100 lượt cán bộ nghiên cứu, khảo sát, đào tạo, hội thảo tại 17 nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2008, ngành cũng đã tổ chức thành công kỳ thi kiểm toán viên nhà nước đầu tiên theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và đã cấp chứng chỉ, bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán viên, kiểm toán viên chính cho 117 người, cấp 234 thẻ kiểm toán viên nhà nước nhằm từng bước chính quy hóa và chuyên nghiệp hóa đội ngũ kiểm toán viên nhà nước.
 
Với năng lực được tăng cường, nên năm 2008, toàn ngành đã triển khai thực hiện 135 cuộc (đầu mối) kiểm toán đối với 20 bộ, cơ quan Trung ương và 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm toán một số chuyên đề, kiểm toán báo cáo quyết toán 19 dự án đầu tư xây dựng cơ bản và Chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm toán báo cáo tài chính của 23 DNNN và các tổ chức tài chính-ngân hàng; kiểm toán lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khối Ðảng và các lĩnh vực khác... theo kế hoạch kiểm toán năm 2008, tăng hơn 10% đầu mối và hơn 20% khối lượng, quy mô kiểm toán so với năm 2007. Tính đến ngày 31-12-2008, toàn ngành đã hoàn thành toàn diện kế hoạch kiểm toán năm; đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ kiểm toán đột xuất, bổ sung, như: kiểm toán Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Vietsovpetro theo chương trình kiểm toán chung với cơ quan KTNN Liên bang Nga được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kiểm toán Dự án trang bị công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát cơ động theo đề nghị của Bộ Công an và một số nhiệm vụ kiểm toán khác theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương. KTNN cũng đã cử nhiều cán bộ cấp vụ, cấp phòng tham gia các Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và công tác kiểm tra của các Ban Ðảng ở Trung ương, đạt kết quả tốt.
 
Tổng hợp chưa đầy đủ kết quả kiểm toán năm 2008 đối với 89/135 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý về tài chính 9.426,8 tỷ đồng (tăng thu NSNN 3.392,4 tỷ đồng, trong đó, tăng thu thuế nội địa 784,6 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu 1.242,3 tỷ đồng, tăng thu phí, lệ phí 155 tỷ đồng, tiền thu sử dụng đất 1.034 tỷ đồng, tăng thu khác 176,5 tỷ đồng; giảm chi NSNN 1.476,4 tỷ đồng, gồm: giảm chi thường xuyên 858,2 tỷ đồng, giảm chi đầu tư xây dựng, chương trình, dự án 618,2 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu NSNN 112 tỷ đồng; kiến nghị xử lý các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 2.638,2 tỷ đồng, các khoản phải nộp và giảm chi ngân sách khác không thuộc NSNN 1.807,7 tỷ đồng).
 
Năm 2008, KTNN cũng đã kiến nghị xử lý, thu hồi diện tích đất giao sai đối tượng, vượt định mức, sử dụng không đúng quy định là 808,9 ha đất; xử lý các tài sản, phương tiện, gồm: 156 xe ô-tô, 159 xe gắn máy và một tàu công tác. Kết quả kiểm toán năm 2008 cũng đã góp phần nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, khách quan và sát thực hơn về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công trong năm 2007. KTNN cũng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị được kiểm toán hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, chế độ quản lý vĩ mô và vi mô; đáng chú ý là các vấn đề về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vấn đề quản lý chi phí, giá thành của ngành điện; mức và lộ trình tăng giá điện qua kết quả kiểm toán Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, v.v.
 
Trong năm 2008, các cuộc kiểm toán đã chú trọng đánh giá tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã chú trọng hơn việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu, có địa chỉ cụ thể các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, khuyết điểm theo Hướng dẫn số 165/HD-KTNN ngày 6-3-2008 của Tổng Kiểm toán Nhà nước, trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật. KTNN đã chuyển một hồ sơ cho Cơ quan điều tra, năm hồ sơ cho thanh tra các bộ, ngành, cung cấp nhiều báo cáo, biên bản kiểm toán cho các cơ quan kiểm tra, điều tra theo yêu cầu. Các Báo cáo kiểm toán cũng được gửi đầy đủ, kịp thời cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Hiệu lực thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã có bước tiến bộ, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2008/NÐ-CP ngày 18-8-2008 về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận và kiến nghị của KTNN, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/2008/CT-TTg ngày 20-11-2008 về việc thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa và thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra. Hầu hết người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đều đã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và báo cáo kết quả cho KTNN. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm tra việc thực hiện xử lý tài chính tại 37/114 cuộc kiểm toán năm 2007, các kiến nghị tăng thu đã thực hiện đạt 90,6%, giảm chi ngân sách đạt 53,8%. KTNN đang tổng hợp kết quả cuối cùng để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 5-2009.
 
Hiệu lực, hiệu quả của KTNN còn được thể hiện rõ rệt trong việc báo cáo, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán. Các Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, Báo cáo kiểm toán năm 2007 đã trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 4, 5-2008 được đánh giá cao, giúp Quốc hội xem xét, phê chuẩn Quyết toán NSNN năm 2007 và quyết định Dự toán NSNN năm 2009. Ngoài việc công bố công khai kết quả kiểm toán năm 2008 trên Website và Tạp chí Kiểm toán, trong năm nhiều cuộc họp báo đã được tổ chức để công bố công khai Báo cáo kiểm toán năm 2007 cũng như một số cuộc kiểm toán được dư luận quan tâm như: kết quả kiểm toán Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam; Chuyên đề mua sắm, quản lý tài sản nhà nước tại các Ban quản lý dự án của các bộ, ngành, địa phương; Dự án hồ Tả Trạch; v.v. Việc công bố kết quả kiểm toán được thực hiện theo đúng pháp luật, bảo đảm chính xác, không có sai sót và có tính định hướng dư luận tốt.
 
Năm 2008, KTNN đã đầu tư, tập trung nhân lực và thời gian nghiên cứu, xây dựng, biên soạn "Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2009-2015 và tầm nhìn 2020"; phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo Ðề án "Tăng cường hiệu lực của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát và sự phối hợp giữa các cơ quan trên trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát" trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng. Các Chiến lược và Ðề án nói trên sẽ tạo những tiền đề, điều kiện rất quan trọng cho sự phát triển tổ  chức và hoạt động của KTNN trong thời gian tới.
 
Với yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, năm 2009 toàn ngành kiểm toán đang nỗ lực khắc phục khó khăn, sửa chữa những yếu kém, hạn chế trong tổ chức và hoạt động, đề cao kỷ luật, trách nhiệm công chức, công vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả toàn diện trên mọi lĩnh vực công tác; đặc biệt là chất lượng và tiến độ thời gian kiểm toán, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập thành tích kỷ niệm 15 năm thành lập KTNN (11-7-1994-11-7-2009). Các nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện tốt kế hoạch công tác 2009 gồm:
 
- Một là, đề cao trách nhiệm của từng cấp lãnh đạo, từng đơn vị; trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2009. Tăng cường giáo dục về bản lĩnh chính trị, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, chuyển biến về tư tưởng, lành mạnh trong ứng xử và lòng tự trọng về nghề nghiệp gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
 
- Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho KTNN và hoạt động kiểm toán nhà nước; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ và đánh giá việc thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản liên quan. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí trong quá trình tác nghiệp liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước và giám sát việc thực hiện Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.
 
- Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán, đa dạng hóa và đa chiều hóa các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán.
 
- Bốn là, tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên theo hướng đa dạng hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và từng bước hiện đại hóa công nghệ kiểm toán; triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về chuyển đổi và thời hạn chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, kiểm toán viên nhà nước.
 
- Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật và phương tiện làm việc; tiếp cận và ứng dụng các thành tựu về công nghệ thông tin phục vụ ngày càng hiệu quả hơn mọi hoạt động của KTNN, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng KTNN và sự điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp.
 
- Sáu là, tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và thực hiện kết luận và kiến nghị của KTNN theo hướng không ngừng gia tăng tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và cả hệ thống chính trị, trong đó có KTNN.
 
Sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cùng với những bài học kinh nghiệm trong suốt mười bốn năm hoạt động thực tiễn chính là động lực to lớn, thúc đẩy KTNN sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức, phấn đấu vì mục tiêu: "Vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững", xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng và Nhà nước, sự trông đợi của nhân dân.
 

(Theo nhân dân)

Bài thuộc chuyên đề: Dự báo kinh tế Việt Nam 2010

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • EVN phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu
  • NHNN sẽ mua lại giấy tờ có giá của TCTD
  • Tp.HCM kiến nghị Chính phủ được phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu
  • Phương án cho gói kích cầu 17.000 tỷ đồng
  • HSBC: DNNVV Việt Nam vẫn kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2009
  • Bộ Tài chính ra một loạt văn bản hướng dẫn miễn, giảm, hoãn, hoàn thuế
  • Tài chính ngân hàng Giảm thuế chưa thể giải quyết hết khó khăn cho DN
  • Kinh tế-Đầu tư Đạt kỷ lục mới!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!