Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính, để hạn chế tình trạng giảm phát và giải quyết bài toán khó khăn khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cần phải kích cầu cho vay tiêu dùng trong nước.
Phải hướng dòng vốn vào thị trường
Theo tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, chuyên gia phân tích kinh tế của Tập đoàn VinaCapital, nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài và dữ hội hơn, Việt Nam cũng sẽ chịu những ảnh hưởng kinh tế và tài chính khó có thể lường trước. Thanh khoản giữa các ngân hàng (NH) thấp dẫn đến ít hoạt động cho vay tiêu dùng. Những chuyển hướng mới đây trong chính sách vực dậy thị trường tài chính của Chính phủ Mỹ và Trung Quốc cũng cho thấy vai trò của việc kích thích người dân chi tiêu nhằm tăng lực cầu cho nền sản xuất.
Thay vì mua lại các khoản nợ xấu, chính phủ Mỹ đã hướng nguồn vốn đến việc tài trợ các khoản tín dụng tiêu dùng, mua sắm, hỗ trợ sinh viên... Ngày 25.11, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục đưa ra các chương trình mới để khôi phục thị trường tài chính tiêu dùng dưới dạng các khoản vay trọn gói mới, thúc đẩy cho vay mua ôtô và giảm chi phí nợ thẻ tín dụng. Trung Quốc vừa qua cũng tung ra 586 tỉ USD để phát triển các dự án nhà giá rẻ, cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn, phát triển đường sá và sân bay, cắt giảm thuế cho các Cty mua tài sản cố định để kích thích đầu tư.
Tại Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2008, khi NHNN siết chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, các NH hạn chế cho vay ra. Đặc biệt là với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các NH đều khép cửa. Đến nay khi các chính sách thắt chặt tín dụng dần được nới lỏng, vốn khả dụng dư thừa và NH mở cửa tái cho vay. Lãi suất cho vay tuy đã giảm khá sâu so với mức đỉnh 21%/năm, nhưng vẫn còn quá sức chịu đựng của người tiêu dùng, mặc dù lạm phát dần được kiềm chế xuống mức thấp. Những vấn đề trên sẽ tạo ra áp lực giảm phát đối với nền kinh tế khi hàng hóa XK giảm và thị phần bị ảnh hưởng.
Theo ông Chí, để giảm bớt tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu, cần thực hiện kích cầu tiêu dùng và gia tăng hàng hóa trên thị trường nội địa thông qua chính sách tín dụng mềm dẻo hơn. Lãi suất cơ bản tiếp tục giảm ngày 20.11 cùng một số biện pháp nới lỏng chính sách thắt chặt tín dụng là bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay cần được giảm thêm và đầu năm tới phải về mức ngang mức như năm 2006 thì người tiêu dùng mới có cơ hội tiếp cận vốn vay NH để mua, sửa chữa nhà cũng như ôtô.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM, lãi suất huy động trong năm tới phải về mức 10%/năm như mức của năm 2006, DN và kể cả người tiêu dùng mới dám nghĩ đến việc vay vốn NH để kinh doanh sản suất cũng như chi tiêu.
Nới lỏng và cam kết
Các quyết định mới đây nhất của NHNN như giảm lãi suất cơ bản thêm 1% và cắt giảm thêm 2% dự trữ bắt buộc được coi là động lực quan trọng thúc đẩy các NHTM hạ lãi suất và đẩy mạnh cho vay. Đáng chú ý, cùng với các điều chỉnh về lãi suất, chính sách cho vay và đặc biệt với cho vay tiêu dùng tại các NHTM cũng bắt đầu hé mở biểu hiện nới lỏng.
Ngoài nhóm khách hàng truyền thống và ưu đãi, một số NHTM CP công bố sẵn sàng cho các cá nhân có nhu cầu vay mua, xây dựng và sửa chữa nhà ở với lãi suất ưu đãi. TGĐ LienVietBank - ông Nguyễn Đức Hưởng nhận định, đây là điều chỉnh rất lớn trong chính sách cho vay và tại LienVietBank, nhóm khách hàng này được hưởng mức lãi suất ưu đãi ngắn hạn 14,5%/năm, thấp hơn khoảng 1% so với lãi suất cho vay thông thường.
Cho đến nay, ACB vẫn được đánh giá là NHTM có mức cam kết cho vay tiêu dùng lớn nhất, lên tới 2.000 tỉ đồng trong tổng số 15.000 tỉ đồng có thể cho vay để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vay mua và sửa chữa nhà ở. Lãnh đạo ACB cũng tuyên bố, nếu nhu cầu vay cao hơn, NH sẵn sàng dành nhiều vốn hơn để cho vay tiêu dùng.
Nhiều NHTM khác cũng chọn hướng cho vay này, với nhận định, việc mở rộng cho vay mua và sửa chữa nhà ở sẽ kích thích cầu BĐS và qua đó hồi phục giá cả nhiều mặt hàng liên quan như sắt thép và xi măng. NHTMCP Đại Á mới đây cũng bắt đầu triển khai chương trình cho vay xây nhà với mức vay tối đa lên tới 70% giá trị xây dựng. Ngoài ra theo Phó TGĐ NH Đại Á - ông Trần Vũ Phương, NH này sẽ dành khoảng 500 tỉ đồng trong các tháng cuối năm cho các đơn vị có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh với chính sách lãi suất cho vay sẽ giảm dần nhằm tạo điều kiện cho cá nhân và DN tiếp cận nguồn vốn hợp lý...
Vốn nhiều, giải ngân thấp
Nguồn vốn khả dụng của các NHTM thời điểm trước khi các quyết định mới đây của NHNN ban hành vẫn được khẳng định đang tiếp tục dư cung. Chỉ tính đến cuối tháng 10.2008, vốn khả dụng của hệ thống các NHTM thừa khoảng 90.000 tỉ đồng. Song cho đến hết tháng 9.2008, dự nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 79.700 tỉ đồng và chiếm khoảng 6,54% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Dư nợ cho vay tiêu dùng trên đầu người tại VN hiện chỉ đạt khoảng 921.000 đồng/người.
Dù NH dư thừa vốn khả dụng và ngay cả khi chính sách cho vay tiêu dùng mềm dẻo hơn, việc khách hàng có nhu cầu tiếp cận được nguồn vốn vẫn không phải dễ. Chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro với phần nhiều các hợp đồng cho vay dựa trên quan hệ tín chấp và đặc biệt khi các NH thiếu một hệ thống thông tin khách hàng, quan hệ tín dụng hoàn thiện vẫn là những nguyên nhân khiến các NHTM dè dặt khi cho vay tiêu dùng.
(Theo Báo lao động )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com