Đây là tình cảnh của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay. Thị trường bắt đầu xuất hiện những tín hiệu kích cầu tín dụng mới.
Theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại tiếp tục dư thừa lớn. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn chưa tạo được sự bứt phá.
Còn nhiều rào cản
Đầu tháng 11, lượng vốn khả dụng dư thừa của hệ thống ước tính có thể đạt tới 100 nghìn tỷ đồng, sung túc nhất kể từ đầu năm. Cuối tháng 11, thêm thuận lợi từ việc Ngân hàng Nhà nước trả lại 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nguồn vốn của các ngân hàng ước tính có thêm trên dưới 15.000 tỷ đồng.
Ngoài nguồn cố thủ ở trái phiếu, dự phòng khó khăn thanh khoản, kích thích tăng trưởng tín dụng đang là hướng triển khai của nhiều thành viên. Tuy nhiên, sau 4 tháng liên tiếp tăng chậm trước đó, dự báo tăng trưởng tín dụng của hệ thống vẫn chưa tạo được sự bứt phá.
Tính đến hết tháng 10, tăng trưởng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng ước chỉ tăng 19,6% so với cuối năm 2007; riêng trong tháng 10, khả quan nhất trong 4 tháng trước, cũng chỉ tăng 0,99%. Và trong tháng 11, tháng lãi suất cho vay liên tiếp giảm mạnh, mức tăng dự báo vẫn thấp.
Ghi nhận từ một đầu mối của nhà điều hành chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng của hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn ở mức thấp, dự báo chỉ tăng quanh 1% trong tháng này. Riêng trường hợp của Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) đang có tốc độ tăng cao nhất hệ thống, do có lãi suất cho vay thấp hơn trước đó và là thành viên mới thành lập nên không gặp khó khăn trong rào cản hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Nguyên nhân chính, theo một số lãnh đạo ngân hàng thương mại, là họ chưa tìm được tiếng nói chung với nhiều doanh nghiệp vay vốn.
Theo phân tích của ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mặc dù lãi suất cho vay đã giảm nhanh nhưng tăng trưởng tín dụng khó tăng mạnh. Nguyên do là đang có tâm lý chờ đợi lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới; mặt khác hoạt động sản xuất kinh doanh đang ứ đọng do tiêu dùng sụt giảm, xuất khẩu khó khăn…
Bà Phan Thị Chinh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng cho rằng doanh nghiệp đang có tâm lý chờ đợi lãi vay giảm sâu hơn; nhiều doanh nghiệp vay cầm chừng; có những trường hợp yêu cầu ký điều chỉnh lãi suất vay vốn theo hàng tháng như ở khoản vay 3 tháng thay vì cố định luôn 3 tháng như trước đây…
Một rào cản khác khiến ngân hàng và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung là các điều kiện vay vốn. Sau những đợt giảm lãi suất, nhiều phản hồi từ doanh nghiệp vẫn cho rằng họ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, do các điều kiện thắt chặt; đặc biệt là trong khó khăn, tín nhiệm của nhiều doanh nghiệp bị “xuống điểm”.
Ngược lại, với yêu cầu an toàn tín dụng, việc rót vốn của các nhà băng thời điểm này trở nên thận trọng hơn. Hầu hết các ý kiến từ bên cho vay đều cho rằng có thể nới cung tiền nhưng khó nới điều kiện vay vốn.
Còn theo phân tích của một chuyên viên tín dụng Ngân hàng Á châu (ACB), lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chưa thể tăng mạnh do có độ trễ nhất định.
“Ngân hàng có thể cho vay với lãi suất chỉ 12% - 13%/năm, nhưng đó không phải là lãi suất tại thời điểm này, mà thường cho 1 - 2 tháng tới, bởi còn có độ trễ của quá trình thẩm định và chính thức cấp vốn. Đây cũng là một cơ sở để một số thành viên đưa ra các mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung, do đón đầu xu hướng”, chuyên viên này giải thích.
Những tín hiệu mới
Theo lãi suất cơ bản, lãi suất cho vay VND tối đa thời điểm này là 16,5%/năm. Trên thực tế, tiền lãi nhiều ngân hàng chỉ thu từ 13% - 14% ở khối quốc doanh và Vietcombank, từ 14% - 16% ở khối cổ phần. Và từ 1/12, dự báo sẽ có thêm một đợt điều chỉnh nối tiếp.
Giảm giá vốn là một trong những biện pháp kích cầu truyền thống nhất và đang được các ngân hàng áp dụng. Tuần cuối tháng 11, thị trường ghi nhận một số ngân hàng cổ phần lớn như Eximbank, Sacombank tiếp tục xem xét giảm thêm lãi suất cho vay để kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp. Từ tháng 12 tới, sẽ có thêm một số thành viên như ABBank, SCB với những mức giảm đáng chú ý.
Cuối ngày 28/11, Ngân hàng An Bình (ABBank) quyết định từ ngày 1/12 sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay VND xuống nhóm hấp dẫn nhất trong khối cổ phần. Lãi vay tại ngân hàng này chỉ còn 13,75%, áp dụng cho các khách hàng truyền thống và sử dụng nhiều dịch vụ.
Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc ABBank, nhận định: “Đến thời điểm này, khi lạm phát đã dần được kiềm chế, mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được chú trọng hơn. Các quyết định của Ngân hàng Nhà nước đã làm cho mặt bằng lãi suất chung của thị trường tài chính giảm xuống. Lãi suất cho vay giảm thêm sẽ tạo cơ hội cho khách hàng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng, giảm bớt chi phí đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh của họ”.
Cũng theo ông Thanh, đây là một biện pháp để ABBank đón nhu cầu vay vốn thường tăng cao vào dịp cuối năm, doanh nghiệp tăng cường sản xuất, nhập hàng phục vụ Tết…, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Cùng thời điểm với ABBank, BIDV thông báo quyết định mới, giảm mạnh lãi suất cho vay ngắn hạn VND xuống mức tối đa 13%/năm, áp dụng đồng loạt đối với tất cả các khách hàng từ ngày 1/12. Với những khách hàng sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành hàng trọng yếu, ngân hàng này chỉ thu 11,4%/năm.
Trên cơ sở điều chỉnh mới của một số ngân hàng, thị trường đang hướng về khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất cơ bản.
Một điểm hiếm thấy trong năm 2008, cũng như những năm trước, là ngân hàng khuyến mại cho khách hàng vay vốn, thay vì chỉ áp dụng cho các chương trình huy động. Tại ABBank, người vay vốn tiêu dùng còn được tặng thêm vàng, tăng dần theo giá trị khoản vay.
Cũng như tại ABBank, một số ngân hàng cổ phần đã bắt đầu nối lại hoạt động cho vay tiêu dùng. Nghiệp vụ cho vay mua ôtô vốn đã khép cửa từ cuối quý 1/2008 nay đã bắt đầu sôi động trở lại; một số trường hợp đã áp dụng hạn mức tín dụng lên từ 70% - 80% giá trị xe. Hay nghiệp vụ cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở cũng đang được đẩy mạnh tại Sacombank, ABBank, LienVietBank…
Trong khi đó, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), một quyết định mới cũng vừa được áp dụng, tạo sự chú ý đối với các nhu cầu vay vốn: giảm lãi suất cho vay cho khách hàng chịu lãi suất cao trước đó, dù chưa đến kỳ điều chỉnh hoặc không có quyền lợi được giảm theo quy định của hợp đồng.
Cụ thể, SCB sẽ giảm lãi suất cho vay xuống còn 18%/năm cho tất cả các dư nợ VND đối với những khách hàng đã đồng thuận cùng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tối thiểu lên 16,8%/năm vào các thời điểm của tháng 3, 4 và 5/2008, hiện đang có lãi suất áp dụng từ 18%/năm trở lên.
SCB cho biết tổng số dư nợ cho vay được áp dụng chính sách này là hơn 17.000 tỷ đồng. Theo đó, nếu ước tính tổng số khách hàng chỉ được giảm 1% lãi suất tín dụng thì SCB đã chia sẻ hơn 170 tỷ đồng.
Có thể thời gian tới thị trường sẽ tiếp tục đón nhận thêm những tín hiệu mới trong hướng đẩy mạnh giải ngân của các ngân hàng, đặc biệt trong mảng tín dụng tiêu dùng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ sớm có cải thiện. Như tại BIDV, sau quyết định giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng tháng 12 này được kỳ vọng đạt từ 3% - 3,5%.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com