Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sau 2 năm gia nhập WTO: Ngân hàng Việt Nam vững vàng hội nhập

Sau 2 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự chuyển mình thích ứng với thị trường.

Hầu hết các Ngân hàng thương mại đều đạt được sự tăng trưởng cao cả về quy mô và loại hình hoạt động, đóng góp nhiều hơn và chủ động hơn vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Sau 2 năm gia nhập WTO, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã được rà soát, điều chỉnh phù hợp với các cam kết WTO. Đồng thời, quy mô vốn của các NHTM đã được tăng lên đáng kể.

NHNN phát huy tốt vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với các cam kết WTO theo hướng ngày một thông thoáng, minh bạch hơn.

Việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá một cách linh hoạt theo cung cầu thị trường và có kiểm soát.

Trong năm 2008, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN kiềm chế được lạm phát, đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đảm bảo khả năng thanh khoản, hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, bao gồm cả dịch vụ và công nghệ; hệ thống TCTD tiếp tục thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính trong nền kinh tế, góp phần vào việc huy động vốn và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các NHTM năng động đổi mới

Các Ngân hàng thương mại (NHTM) đã tận dụng tốt những cơ hội trong quá trình hội nhập để khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh “trên sân nhà”, đó là có mạng lưới rộng lớn, có khách hàng truyền thống, hiểu biết sâu rộng hơn về các điều kiện kinh doanh; tăng kinh nghiệm nghiệp vụ tích lũy. Do vậy, các NHTM trong nước đã chiếm vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ truyền thống là huy động vốn và cho vay. Hiện nay, thị phần huy động vốn của các NHTM trong nước chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 90%.

Các NHTM đều chú trọng phát triển hệ thống công nghệ ngân hàng. Coi đó là phương tiện chủ lực để rút ngắn khoảng cách phát triển so với ngân hàng của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Hầu hết các NHTM đã đầu tư xây dựng hệ thống ngân hàng lõi (core banking), cho phép quản trị dữ liệu một cách tập trung tại Hội sở chính, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới đã ra đời và phát triển mạnh mẽ.

Sau 2 năm gia nhập WTO, quy mô vốn của các NHTM đã được tăng lên đáng kể. Theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ thì các ngân hàng phải có vốn điều lệ ít nhất là 1.000 tỷ VND và đến năm 2010 là 3.000 tỷ VND. Đến nay, nhiều ngân hàng đã đạt mức trên 1.000 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng.

Ngoài việc tăng quy mô vốn, nhiều ngân hàng còn đẩy mạnh việc thực hiện cơ cấu lại tài chính như tăng vốn tự có, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động. Việc tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cùng với việc tăng vốn chủ sở hữu đã giúp các NHTM giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu phát sinh từ nhiều năm trước, chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu / tổng dư nợ của khối NHTM cổ phần dưới 1%, của các NHTM nhà nước dưới 5%.

Tiếp tục hội nhập sâu rộng

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Tự, Tổng Biên tập tạp chí Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian sắp tới, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn phải tiếp tục vượt qua nhiều thách thức, khó khăn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, kinh tế suy giảm, khó khăn tác động còn lớn hơn.

Vì thế, NHNN cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các luật về ngân hàng, chú trọng xây dựng NHNN Việt Nam thành Ngân hàng Trung ương hoạt động theo thông lệ quốc tế.

Chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia phân tích thông tin phục vụ điều hành chính sách tiền tệ cũng như giám sát các ngân hàng. Đi đôi với việc này là tăng cường đầu tư công nghệ ngân hàng.

Tiếp tục củng cố để có một hệ thống TCTD hoạt động ổn định an toàn và lành mạnh, kết hợp với thực hiện minh bạch về thông tin phục vụ điều hành chính sách tiền tệ và quản lý để hệ thống TCTD hoạt động hiệu quả hơn.

Đối với các NHTM, cần xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược quản trị theo thông lệ quốc tế; tiếp tục cơ cấu lại và thực hiện các biện pháp tăng vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ; nâng cao năng lực quản trị rủi ro; khẩn trương hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

(Theo báo Bình Dương)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!