Vào những ngày trung tuần tháng 11 năm ngoái, một số phóng viên cố tiếp cận các quan chức có trách nhiệm của sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội để tìm hiểu về gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 500 triệu USD mà Việt Nam vừa nhận được từ chính phủ nước này để chống suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, họ đã không nhận được thông tin vì các quan chức này nói là không biết gì về khoản vay này.
Một viên chức của bộ Ngoại giao, người có mặt trong đoàn Việt Nam đến Tokyo và chứng kiến lễ ký gói hỗ trợ khẩn cấp đó kể lại rằng, phía Nhật Bản đã thông báo cho Việt Nam vay số tiền đó vào những giờ cuối cùng của chuyến thăm. Về phần mình, phía Việt Nam cũng quyết định vay khoản vay đó rất nhanh. Cho dù chi tiết hậu trường của câu chuyện này như thế nào, nó cũng không quan trọng bằng việc: khoản hỗ trợ 500 triệu USD đó, cùng với khoản vay khác trị giá 500 triệu USD của ngân hàng Phát triển châu Á cùng thời gian đó, được cho là đã góp phần giúp Việt Nam thoát khỏi suy giảm kinh tế trong năm 2009, năm mà Chính phủ chi tới 584.700 tỉ đồng, lớn hơn rất nhiều so với tổng thu ngân sách là 442.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cho đến gần đây, thông tin về việc những khoản vay lớn này đã về đến tài khoản quốc gia hay chưa, hay được chi tiêu cho những hạng mục nào nhằm chống suy giảm kinh tế như mục đích của chúng, chưa được bất kỳ cơ quan liên quan nào của Việt Nam công bố.
Nhưng dù thế nào, hai khoản vay khẩn cấp này đã góp phần làm cho nợ nước ngoài của Chính phủ tăng lên khoảng 38,9% GDP tính đến cuối năm ngoái, mức mà thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thừa nhận là “rất lớn” và vì thế không thể phá giá tiền đồng vì như vậy gánh nặng nợ nần sẽ tăng cao. Con số nợ quốc gia này có lẽ không bao gồm 17 tỉ USD mà các doanh nghiệp trong nước đang nợ, như tiết lộ của thống đốc trong phiên điều trần trước Quốc hội cuối năm ngoái.
Ở góc độ lớn hơn, uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội cho biết, nợ chính phủ sẽ lên tới 44,6% GDP vào cuối năm nay, cao hơn so với 41,9% GDP của năm 2009, 36,2% GDP của năm 2008 và 33,8% GDP năm 2007. Cho dù Chính phủ luôn khẳng định rằng, mức nợ quốc gia luôn nằm trong “giới hạn an toàn cho phép”, thì những diễn biến gần đây ở Hy Lạp hay một số quốc gia khác trong EU không khỏi làm nhiều người cảm thấy lo ngại về mức nợ công này.
Số liệu về nợ chính phủ được nhà nghiên cứu kinh tế Vũ Tuấn Anh của viện Kinh tế Việt Nam cụ thể hoá như sau: nợ nước ngoài 25 tỉ USD, nợ trong nước (như trái phiếu chính phủ) khoảng 25 tỉ USD. Ông nhận xét, tổng cộng nợ công 50 tỉ USD nghĩa là hơn 50% GDP. Ông đặt câu hỏi: “Thế giới coi nợ công từ 30 – 50% GDP là nước gặp khó khăn về tài chính, vì sao Việt Nam ta vẫn tự tin?”
“Hiện nay vẫn chưa rõ nguồn kinh phí để chi trả khi các trái phiếu đến hạn thanh toán là gì”. Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006 – 2010 của bộ Kế hoạch và đầu tư |
Nhưng cũng giống như một gia đình nghèo đông con, không vay nợ thì lấy gì chi tiêu. Trong nhiều năm nay, cho dù thu ngân sách đã tăng đáng kể nhưng ngân sách nhà nước vẫn chỉ đáp ứng “khoảng 60% nhu cầu chi cần thiết tối thiểu”, theo báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006 – 2010 của bộ Kế hoạch và đầu tư. Bộ này thừa nhận, ngoài mức thâm hụt ngân sách cao (từ 5 – 6,9% GDP trong những năm gần đây), còn có những khoản chi ngoài ngân sách mà nếu đưa hết vào chi ngân sách thì mức bội chi có thể lên đến trên 10%. “Đây là một tỷ lệ quá cao, dẫn đến rủi ro lớn về khả năng trả nợ trong tương lai”, bộ thừa nhận. Thâm hụt ngân sách gần đây được bù đắp bằng vay nợ trong và ngoài nước chủ yếu dưới hình thức phát hành trái phiếu, nhưng bộ này thừa nhận thực tế mà ít người dám nói ra: “Hiện nay vẫn chưa rõ nguồn kinh phí để chi trả khi các trái phiếu đến hạn thanh toán là gì”.
Theo quy luật, có vay thì phải có trả. Để trả nợ gốc và lãi tính riêng cho các khoản vay ODA ưu đãi, ngân sách sẽ phải chi 70.250 tỉ đồng năm 2010, tăng cao so với 58.800 tỉ đồng năm 2009 và 51.200 tỉ đồng năm 2008, theo uỷ ban Tài chính – ngân sách. Nguồn chi trả có thể sẽ không đáng lo, nếu những dự án đầu tư công được cấp vốn từ những nguồn vay nợ đó đạt hiệu quả, và sinh lời. Nhưng đây lại là một câu chuyện dài khác. Hệ số ICOR lên đến 8 trong năm 2009 là minh chứng rõ ràng nhất cho việc đầu tư công có hiệu quả như thế nào. Bổ sung cho hệ số ICOR cao là những khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, cảng biển,… đã quy hoạch hoặc đã khởi công nhưng còn dang dở và cần lượng vốn lớn nữa để hoàn thiện. Gần đây, khi được hỏi về việc có 5.000 dự án công ở Việt Nam bị chậm tiến độ theo công bố của bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Martin Rama đã trả lời là ông “không hề ngạc nhiên”. Ông giải thích: “Ngay cả những dự án ODA do chúng tôi tài trợ cũng bị chậm… Đó là tình hình chung với các dự án ở Việt Nam”.
Với tình hình vay nợ và hiệu quả sử dụng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi tại cuộc họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội vừa rồi không ít đại biểu đã tỏ ra lo ngại về nợ công và an ninh tài chính của đất nước. Phải chăng các đại biểu cũng cảm thấy sức nóng từ trường hợp Hy Lạp?
(Theo Tư Giang // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com