Tại cuộc hội thảo đánh giá về xu hướng kinh tế Việt Nam năm 2010 do uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 22 và 23.4 tại Vĩnh Phúc, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thâm hụt cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách, nợ công đang ngày càng gia tăng.
Số liệu, thống kê kinh tế quý 1 và ước thực hiện trong tháng 4 cho thấy sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao trong hai tháng đầu năm nhưng đã có dấu hiệu được kiểm soát (CPI giảm xuống còn 0,75% và tháng 4, theo thống kê sơ bộ, cũng dưới 1%), thị trường vàng, ngoại tệ đã ổn định… Tuy nhiên, những nguy cơ bất ổn mới của nền kinh tế đang de doạ giảm bớt hiệu quả của những nỗ lực điều hành ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông Vũ Đình Ánh, phó viện trưởng viện Nghiên cứu khoa học thị trường – giá cả, bộ Tài chính, những điểm gây mất cân đối vĩ mô đang ngày càng tích tụ ở mức độ trầm trọng, làm hạn chế không gian điều hành chính sách. Nổi bật trong các vấn đề đó, theo ông Ánh, là tình trạng thâm hụt cán cân thương mại. “Xuất khẩu tuy đã có những tiến bộ nhưng do những hạn chế trong cơ cấu xuất khẩu, trong việc kiểm soát nhập khẩu nên nhập siêu đã kéo dài và lên mức nguy hiểm. Kiểm soát nhập khẩu để đẩy thâm hụt thương mại xuống dưới 10% GDP hay dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu là rất cấp thiết”, ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, thâm hụt thương mại là yếu tố quyết định gây ra thâm hụt cán cân vãng lai nặng nề trong những năm gần đây và nó kéo theo thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể. “Nếu tình trạng thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai không nhanh chóng được cải thiện thì bất kỳ một cú sốc nào từ tài khoản vốn cũng có thể làm Việt Nam đứng trước nguy cơ vỡ nợ quốc gia cho dù có dự trữ ngoại tệ khoảng 20 tỉ USD, gấp sáu lần so với năm 2000”, ông Vũ Đình Ánh cảnh báo.
“Nếu tình trạng thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân vãng lai không nhanh chóng được cải thiện thì bất kỳ một cú sốc nào từ tài khoản vốn cũng có thể làm Việt Nam đứng trước nguy cơ vỡ nợ quốc gia cho dù có dự trữ ngoại tệ khoảng 20 tỉ USD, gấp sáu lần so với năm 2000.” Vũ Đình Ánh, phó viện trưởng viện Nghiên cứu khoa học thị trường – giá cả, bộ Tài chính |
Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng cho rằng “cán cân thương mại và cán cân vãng lai của Việt Nam đã thâm hụt ở mức báo động trong các năm 2007 – 2008”. Theo ngân hàng Nhà nước, năm 2007, thâm hụt cán cân thương mại là 10,4 tỉ USD (tương đương 10,4% GDP) và thâm hụt cán cân vãng lai 7 tỉ USD (tương đương 9,3% GDP) và tiếp tục tăng cao trong năm 2008 với mức thâm hụt thương mại 11,8 tỉ USD và cán cân vãng lai âm 8,28 tỉ USD. Năm 2009, quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng mức thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam là 7 tỉ USD (7,8% GDP) và cán cân vãng lai thâm hụt 7,32 tỉ USD (8,1% GDP). Như vậy, xét về giá trị tuyệt đối, hai khoản thâm hụt này vẫn còn cao tuy đã có giảm. Ông Thiên cho rằng, sự thu hẹp này là do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu chứ không phải do có cải thiện nhiều trong xuất khẩu.
Tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai đã được bù đắp bằng các luồng vốn: đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), kiều hối… Nhưng năm 2009, một số nguồn vốn này đã bị suy giảm: giải ngân vốn FDI giảm, các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài bán ròng. Theo một báo cáo của ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cán cân vốn và tài chính của Việt Nam năm 2009 thặng dư 10,2 tỉ USD nhưng đã giảm so với năm 2008 (12,1 tỉ USD).
Theo ông Ánh, thâm hụt ngân sách cũng đã lên mức rất cao trong năm 2009 (6,9% GDP), làm tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế. Với mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm khoảng 5% GDP như những năm gần đây thì quy mô thâm hụt ngân sách nhà nước cũng đã tăng gấp đôi sau mười năm. Các chuyên gia đều lo ngại về mức tăng nhanh của nợ công. Nợ Chính phủ đã tăng từ 36,5% GDP năm 2008 lên đến 40% trong năm 2009 (năm 2010 dự kiến nợ Chính phủ tăng lên 44% GDP). Quy mô nợ công như vậy đã tăng gấp ba lần sau tám năm và đến năm 2010 có thể gấp bốn lần so với năm 2002. Theo ông Thiên, “nợ Chính phủ và nợ nước ngoài đang tiến tới giới hạn mất an toàn”. Tuy cho rằng tỷ lệ nợ đó vẫn an toàn theo chuẩn mực quốc tế nhưng ông Ánh cảnh báo, tốc độ gia tăng của nợ và rủi ro trong kiểm soát nợ, cả trong và ngoài nước trong khi cán cân tiết kiệm và đầu tư giai đoạn 2001 – 2010 đang xấu đi nhanh chóng, là vấn đề đáng chú ý.
Do đó, mặc dù đánh giá chung là kinh tế vĩ mô 2010 “sáng sủa hơn năm 2009”, nhưng với các khoản thâm hụt, tình trạng nợ công như vậy, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có những giải pháp hiệu quả để giảm tình trạng thâm hụt. Đây sẽ là yếu tố quyết định để ổn định kinh tế vĩ mô.
(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com