Các đại biểu kiến nghị Chính phủ bám sát các diễn biến về giá cả, tiền tệ, sự vận động của kinh tế trên thế giới và trong nước, từ đó xác định mục tiêu chính sách trong từng thời kỳ, điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách.
Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Áp lực lạm phát và Chính sách Tài chính - Tiền tệ” - Ảnh Chinhphu.vn |
Sáng nay (16/4), Diễn đàn “Áp lực lạm phát và Chính sách Tài chính - Tiền tệ” do báo Diễn đàn doanh nghiệp ( Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam- VCCI) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Áp lực lạm phát khá lớn
Tại diễn đàn, các đại biểu đều cho rằng, mặc dù nền kinh tế thế giới năm 2010 được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó áp lực lạm phát rất lớn. Áp lực lạm phát sẽ tác động đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh liên quan đến xuất nhập khẩu.
Theo các đại biểu, trong ba nhóm lạm phát cơ bản (lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát cầu kéo) thì có thể thấy lạm phát tiền tệ sẽ đóng vai trò chi phối trong thời gian tới.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng áp lực lạm phát trước hết sẽ gây khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ. Đó là việc cân bằng lãi suất giữa đồng nội tệ và ngoại tệ, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó đặc biệt lưu ý tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp.
Theo ông Võ Văn Minh, Trưởng Phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, có 3 yếu tố vận hành qua lại chặt chẽ với nhau trong chính sách tiền tệ, đó là lãi suất - tỷ giá - tín dụng. Ba yếu tố này có thời điểm không vận hành đồng bộ đã dẫn đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính không hiệu quả, tác động tiêu cực đến lạm phát.
Bên cạnh đó, yếu tố lạm phát tâm lý (hay còn gọi là lạm phát phi tiền tệ) lại xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam. Giá cả tăng lên không xuất phát từ yếu tố chi phí mà chủ yếu từ tâm lý “ăn theo” giá các hàng hóa khác. Vì thế, chính sách tiền tệ có lúc bị coi là “điều tiết chậm” do kiểu lạm phát phi tiền tệ này.
Ngoài ra, tính định hướng của chính sách tiền tệ không mạnh do phải chi phối đa mục tiêu ( tăng trưởng cao và khống chế lạm phát), đã dẫn đến việc kiềm chế lạm phát cũng khó hơn.
Điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách
Để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm tối đa lạm phát, các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần bám sát các diễn biến về giá cả, tiền tệ, sự vận động của kinh tế trên thế giới và trong nước, từ đó xác định mục tiêu chính sách trong từng thời kỳ, điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách.
Đồng thời tăng cường việc kiểm soát giá cả nhằm ngăn ngừa tình trạng tăng giá “té nước theo mưa”, có mục đích trục lợi.
Tiến sĩ Võ Trí Thành đề xuất để hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát, cần minh bạch trong nguồn vốn và chính sách; phối hợp chặt chẽ giữa lãi suất - tỷ giá và tín dụng; can thiệp vĩ mô khi cần thiết. Theo Tiến sĩ Thành, nếu giải quyết được những mối quan hệ trên thì sẽ có khả năng kiềm chế được lạm phát.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Đại Lai cho rằng, mặc dù lạm phát chưa bùng phát nhưng đã có tín hiệu cho thấy nhiều áp lực đang đẩy nền kinh tế trở lại lạm phát. Vì thế, theo ông Lai, một giải pháp cũng cần xem xét trong thời điểm hiện nay là lãi suất huy động, công cụ có vai trò quan trọng chống lạm phát, nhưng cũng phải lưu ý để đảm bảo lãi suất thực dương.
Do đó, các ngân hàng thương mại cần giảm lãi suất đầu ra mạnh hơn để giảm dần lãi suất đầu vào; đồng thời Ngân hàng Nhà nước phải được quyền chủ động "bơm" thanh khoản thời hạn ngắn cho các ngân hàng thương mại thực sự khó khăn.
Đối với điều hành tỷ giá và quản lý ngoại hối, ông Lai đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần từng bước triệt để chống xu hướng "Đôla hoá" và cả chống “vàng hóa”; dùng cơ chế cưỡng chế chặt chẽ để kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ trái phép trên thị trường.
(Theo Giang Oanh // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com