Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kết quả kiểm toán năm 2008

- Ngày 25-11, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức họp báo công khai kết quả kiểm toán năm 2008.

Ðến ngày 20-11-2008, KTNN đã triển khai 122/124 cuộc kiểm toán, kết thúc 90 cuộc, phát hành 71 báo cáo kiểm toán, phát hiện và kiến nghị tăng thu, giảm chi đưa vào quản lý ngân sách Nhà nước 5.020 tỷ đồng, bao gồm: các khoản tăng thu 2.107 tỷ đồng, giảm chi 1.322 tỷ đồng, xử lý về tài chính khác 1.591 tỷ đồng. Kiểm toán Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) KTNN đã thực hiện kiểm toán niên độ kế toán năm 2007 của công ty mẹ và 32/54 đơn vị sản xuất, kinh doanh thành viên thuộc EVN.

Ðến ngày 31-12-2007, tổng tài sản của EVN là 185.180 tỷ đồng, tương đương 11.492 triệu USD, trong đó tổng tài sản của công ty mẹ 118.242 tỷ đồng. EVN cơ bản bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,44 lần. Vật tư tồn kho tại một số đơn vị còn lớn, trong đó chậm luân chuyển trị giá 1.817 tỷ đồng, gây ứ đọng vốn, trong khi phải huy động vốn vay ảnh hưởng kết quả kinh doanh.

Trong tổng giá trị tài sản cố định, nhiều tài sản được đầu tư đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn hạch toán nguyên giá theo giá trị tạm tính, chưa điều chỉnh theo giá trị quyết toán do công tác quyết toán chậm, ảnh hưởng đến tính chính xác của khấu hao tài sản cố định trong cơ cấu giá thành. Tiến độ  thực hiện đầu tư theo Tổng sơ đồ 6 trong các năm 2006, 2007 chậm, chỉ bảo đảm tiến độ được 3/6 dự án nguồn điện. Một số công trình nguồn điện không đạt tiến độ ảnh hưởng mục tiêu phát điện trong các năm tới.

Tổng đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ là 47.438 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào công ty con 33.466 tỷ đồng, vào công ty liên kết 1.173 tỷ đồng, đầu tư dài hạn khác 12.797 tỷ đồng. Lượng vốn đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện gồm: viễn thông, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản và đầu tư khác là 3.590,5 tỷ đồng, chiếm 7,22% tổng số vốn đầu tư, chiếm 4,82% tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Ðiều này cho thấy EVN chưa huy động và tập trung hết các nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu chính là sản xuất, kinh doanh điện. Tiền lương bình quân năm 2007 của khối sản xuất, kinh doanh điện là 4,386 triệu đồng/người/tháng, trong đó các đơn vị phân phối điện 4,007 triệu đồng, sản xuất điện 4,639 triệu đồng, các đơn vị thuộc công ty mẹ 6,464 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2007, doanh thu của EVN hơn 58.203 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán điện hơn 50.270 tỷ đồng, tương ứng sản lượng điện tiêu thụ 58 tỷ 444 triệu kW giờ, giá bán điện thực tế bình quân 860,14 đồng/kW giờ. EVN thực hiện bán buôn điện nông thôn với giá ưu đãi nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân theo quy định của Chính phủ, nhưng nông dân chưa được hưởng đầy đủ nguồn trợ giúp này do nông dân phải mua điện qua các tổ chức trung gian kinh doanh điện.

Theo KTNN, giá thành điện tiêu thụ năm 2007 là 777,25 đồng/kW giờ (chưa bao gồm lãi vay); mức thu chênh lệch tăng giá bán điện là 3.402,940 tỷ đồng. Nếu tất cả số chênh lệch tăng giá điện được tính vào kết quả kinh doanh thì tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ 2.348,406 tỷ đồng, bằng 5,92% doanh thu, 3,27% vốn chủ sở hữu; tổng lợi nhuận trước thuế của EVN 4.376,415 tỷ đồng, bằng 7,52% doanh thu, 5,88% vốn chủ sở hữu. Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2007 là 1.180 tỷ đồng, trong đó có 66,154 tỷ đồng số thuế thu nhập doanh nghiệp do KTNN xác định tăng thêm. Trường hợp tách riêng chênh lệch thu được từ tăng giá điện (3.402,94 tỷ đồng), chuyển vào quỹ đầu tư mà không hạch toán vào kết quả kinh doanh thì lợi nhuận của EVN sẽ còn 973,475 tỷ đồng, EVN lỗ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện là 506,077 tỷ đồng.

Tổn thất điện năng năm 2007 của EVN là 6.905.833.774 kW giờ, tỷ lệ tổn thất là 10,56%, vượt 0,05% so kế hoạch.

KTNN kiến nghị, EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên được kiểm toán: làm việc với Tổng cục Thuế để xác định chính xác số nộp NSNN, xử lý chênh lệch tăng giá bán điện. Nếu tính hết vào doanh thu, kết quả kinh doanh thì số còn phải nộp NSNN đến ngày 31-12-2007 là 1.216 tỷ đồng. Trong đó, xác định tăng thêm là 95,457 tỷ đồng, đề nghị nộp đầy đủ và kịp thời các khoản còn phải nộp vào NSNN. Xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong quản lý sản xuất, kinh doanh và tài chính. Chỉ đạo Công ty Viễn thông điện lực xác định trách nhiệm cá nhân và tập thể do thiếu trách nhiệm trong quản lý để phát sinh công nợ khó đòi, quyết toán vốn đầu tư chậm, kéo dài. Chỉ đạo Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân do thiếu thận trọng khi đầu tư dự án thí điểm điều khiển phụ tải bằng sóng (DLC); xây dựng đơn giá lương theo đúng quy định hiện hành, đồng thời EVN có trách nhiệm quyết toán lại quỹ tiền lương năm 2007 của Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc không tuân thủ các quy định trong quản lý tài chính của Nhà nước và EVN khi sử dụng tài sản để góp vốn và đầu tư ra ngoài.

Kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện xử lý chênh lệch tăng giá bán điện theo Quyết định số 276/2006/QÐ-TTg ngày 4-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở số liệu 3.400 tỷ đồng do KTNN xác nhận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phù hợp Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định số 199/2004/NÐ-CP và Quyết định số 276/2006/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính xem xét lại tính hợp lý của việc hướng dẫn thời gian phân bổ chi phí thiết bị đầu cuối đối với hoạt động kinh doanh viễn thông điện lực trong thời gian tối đa là năm năm, bảo đảm nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu trừ (-) chi phí và nguyên tắc thận trọng trong hạch toán kế toán.

Kiểm toán dự án hồ Tả Trạch

Do thời điểm kiểm toán, giá trị khối lượng nghiệm thu, thanh toán mới chỉ đạt hơn 140 tỷ đồng (trong tổng số nguồn vốn đã thanh toán và tạm ứng đến ngày 30-6-2008 là 430 tỷ đồng) cho nên kiểm toán chủ yếu tập trung kiểm toán giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhất là kiểm toán giá trúng thầu (giá hợp đồng) và giá trị dự toán được duyệt.

Kết quả kiểm toán phát hiện sai phạm nghiêm trọng với giá trị lớn đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt và đấu thầu hồ sơ thiết kế - dự toán. KTNN đã kiến nghị giảm giá trúng thầu, điều chỉnh giảm giá đã ký hợp đồng đối với các gói thầu có giá trị trúng thầu được duyệt sai chế độ 128,6 tỷ đồng; sai số học 38,39 tỷ đồng và sai đơn giá 5,764 tỷ đồng. Ðến ngày 11-9-2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp thu điều chỉnh kết quả đấu thầu gói thầu số 20, với giá trị điều chỉnh giảm hơn 42 tỷ đồng. KTNN cũng kiến nghị giảm giá trị dự toán được duyệt do tính sai chế độ quy định 72,623 tỷ đồng, thu hồi nộp NSNN 516,106 triệu đồng, giảm thanh toán cho nhà thầu hơn 33 triệu đồng. KTNN kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các sai phạm, đặc biệt là việc lập, duyệt sai chi phí đầu tư làm tăng giá trúng thầu được duyệt là hơn 128 tỷ đồng, gây thất thoát NSNN.

Việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản tại các Ban quản lý (BQL)

KTNN thực hiện kiểm toán tại các BQL dự án của bốn bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Ðào tạo) và bốn tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình và Ðồng Nai). Theo báo cáo của 32 bộ, ngành, 56 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và kết quả kiểm toán cho thấy, giá trị tài sản cố định tại các BQL mua sắm và quản lý là hơn 2.366 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở ba bộ: Giao thông vận tải 360 tỷ đồng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 210,6 tỷ đồng và Y tế 629 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán đã cho thấy nhiều sai phạm, thiếu sót, khuyết điểm: Mua sắm tài sản, thiết bị vượt tiêu chuẩn, chế độ, sai mục đích, không phản ánh vào sổ kế toán và quyết toán 95,3 tỷ đồng. Quá trình mua sắm còn thiếu sót về trình tự, thủ tục đấu thầu, xét chọn nhà thầu; dùng vốn của các dự án ODA mua sắm trang thiết bị đấu thầu cho các BQL dự án, cơ quan quản lý cấp trên hoặc đơn vị khác, trang bị cho các đối tượng không đúng mục đích; chất lượng tài sản mua sắm ở một số nơi không dùng được, hoặc chưa bàn giao sử dụng đã hư hỏng. Theo dõi, quản lý tài sản thiếu chặt chẽ, nhiều BQL không có quy chế quản lý tài sản. KTNN đã kiến nghị xử lý 156 xe ô-tô, 159 xe gắn máy, một tàu công tác, trong đó đề nghị Bộ Tài chính thu hồi 29 xe ô-tô để xử lý theo chế độ hiện hành, trong đó có 23 xe của Dự án hạ tầng cơ sở nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) điều chuyển không đúng thẩm quyền; năm xe thuộc Bộ Giao thông vận tải; một xe của Bộ Y tế...

(Theo báo Nhân Dân)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!