"Áp lực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang đặt ra bài toán phức tạp cho các nhà làm chính sách VN khi phải lựa chọn và xây dựng một giải pháp phối hợp chính sách tối ưu thích ứng với sức chịu đựng của nền kinh tế trong ngắn hạn mà không phá huỷ nền tảng phát triển dài hạn".
Đây là nhận định của TS Tô Kim Ngọc - PGĐ Học viện Ngân hàng.
Chính sách tài khoá (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là hai chính sách kinh tế cơ bản của Nhà nước trong điều tiết kinh tế vĩ mô nền kinh tế thị trường. Việc phối hợp giữa hai chính sách vốn có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau là việc vô cùng phức tạp. Vì vậy cần phải có sự phối hợp một cách có chủ đích các chính sách kinh tế với nhau để đạt được đồng thời nhiều mục tiêu đề ra.
Từ cuối năm 2007, NHNN thắt chặt dần CSTT nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát leo thang. Tháng 10.2008 tới nay, khi lạm phát không quá lo ngại thì CSTT được nới lỏng dần (lãi suất cơ bản được giảm từ 14% xuống 7%/năm). Về CSTK, trước tháng 4.2008, Chính phủ áp dụng chính sách nới lỏng nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, từ tháng 5-9.2008, CSTK lại được thắt chặt với mục tiêu chủ yếu là chống lạm phát. Kể từ tháng 10.2008 tới nay, cả hai chính sách (tiền tệ và tài khoá) đều được nới lỏng nhằm thúc đẩy kinh tế lấy lại đà tăng trưởng dưới tác động của suy thoái.
Điểm đáng chú ý trong năm 2009 là việc phối hợp giữa CSTK và CSTT trong gói kích thích kinh tế. Ở đây, Chính phủ sử dụng đồng thời hai chính sách. Thông qua CSTK có 122 nghìn tỉ đồng (dự kiến ban đầu là 145,5 nghìn tỉ đồng, bao gồm: Tạm thu hồi vốn đầu tư XDCB ứng trước, ứng trước NS, chuyển nguồn vốn đầu tư kế hoạch 2008 sang, phát hành thêm trái phiếu chính phủ, giảm và dãn thuế, tài trợ LS tín dụng, chi an sinh xã hội... (dự kiến đến hết tháng 12.2009, tổng mức giải ngân ước khoảng 100 nghìn tỉ đồng). Gói kích thích kinh tế thông qua CSTT có hỗ trợ lãi suất (HTLS) 4%.
Hiệu quả của sự phối hợp hai chính sách thời gian qua, theo ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia là: Tăng tổng đầu tư toàn xã hội (từ mức 100 nghìn tỉ đồng trong quý I/2009 lên 150 nghìn tỉ quý III/2009); chi phí lãi vay/nợ vay NH ngắn hạn qua khảo sát tại 122 DN phi tài chính niêm yết trên sàn HoSE giảm từ 6,32% (trong quý IV/2008) xuống còn 2,94% (quý III/2009); tốc độ tăng sản lượng công nghiệp cải thiện mạnh từ -4,4% trong tháng 1.2009 tăng 6,5% trong tháng 9.2009; tốc độ tăng GDP sau điểm thấp nhất tại quý I/2009 đã tăng liên tục trong quý II và III/2009; tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các DN từ 11,9% (năm 2008) đã lên mức dự kiến 19% năm 2009...
Tuy nhiên, còn những hạn chế của CSTK và CSTT trong điều kiện Việt Nam. Về CSTK, đó là: Tỉ lệ thâm hụt NS tăng mạnh, dự kiến chiếm 6,9% GDP năm 2009; nguồn bù đắp thiếu hụt thâm hụt NS thấp nhất so từ năm 2006 đến nay. Về CSTT; căng thẳng ngoại tệ; căng thẳng thanh khoản VND tại các NHTM...
Bên cạnh đó, cán cân thanh toán tổng thể dự kiến năm 2009 âm (khoảng -1,9 tỉ USD); tốc độ tăng trưởng ngoài nhà nước giảm. Biện pháp nới lỏng CSTK và CSTT mà Chính phủ đã và đang thực hiện với mức thâm hụt NS và vay mượn khu vực tư (phát hành trái phiếu) cao làm ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ. Nền kinh tế đứng trước nguy cơ của vòng luẩn quẩn: Lạm phát>chống lạm phát>nới lỏng tiền tệ và tài khoá để chống suy thoái> lại lạm phát> lại chuẩn bị chống lạm phát... Vòng luẩn quẩn này không phải vấn đề của riêng Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu.
Tình trạng tài chính công đáng lo ngại trong khi theo đuổi mục tiêu kích cầu, các nước vẫn phải tiến hành song song cả duy trì CSTT nới lỏng và mở rộng chi tiêu Chính phủ. Tuy nhiên, theo TS Tô Kim Ngọc, điểm khác biệt căn bản giữa nền kinh tế VN và các nền kinh tế khác là ở chỗ áp lực đối với NSNN tồn tại thường xuyên và luôn có xu hướng tăng lên trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái với mức độ chi hàng năm trên 5%/GDP.
Đến thời điểm hiện nay, phần lớn các chuyên gia cho rằng khả năng lạm phát quay trở lại năm 2010 là có cơ sở vì: Tiền được bơm ra từ gói kích thích kinh tế; nhập siêu thương mại; giá nguyên vật liệu (trong và ngoài nước tăng; bội chi NSNN tăng cao; hiệu quả đầu tư giảm xuống với chỉ số ICOR ngày càng tăng; sức mua tiêu dùng dân cư tăng; USD suy yếu gây áp lực lên VND; lạm phát thế giới có xu hướng gia tăng...
NHNN ngày 25.11 đã phải ra quyết định tăng LSCB lên 8% và điều chỉnh tỉ giá VND/USD tuy điều này không nhất quán với tuyên bố ổn định LS trước đây. Dù NHNN không công bố chính thức, nhưng với những động thái như: Khống chế tăng trưởng tín dụng, không mở rộng quy mô thị trường mở, tăng LSCB, điều chỉnh tỉ giá, người ta cảm thấy rõ rệt CSTT đang có sự chuyển đổi theo hướng thắt chặt tiền tệ, trong khi đó CSTK vẫn đang trong tình trạng nới lỏng.
Theo các chuyên gia, việc phối hợp các chính sách kinh tế là cần thiết, nhưng phải tính toán rất thận trọng liều lượng, tác động của chính sách không chỉ trong ngắn hạn, mà phải cả trong trung và dài hạn. Nếu sử dụng tuỳ tiện cả hai chính sách này có thể khiến cho vừa không đạt được mục đích kích thích tăng trưởng kinh tế, vừa khó kiểm soát được nguy cơ lạm phát cao quay trở lại. Nhiều kiến nghị, giải pháp liên quan đến pháp lý, chính sách, điều phối cho hai chính sách được đưa ra. TS Hoàng Huy Hà - Phó TGĐ BIDV - nói, cần kiểm soát chặt chẽ cung tiền và tín dụng, giảm chi tiêu Chính phủ và điều chỉnh lại ưu tiên đầu tư công.
"Hiện nay, mức thâm hụt NS của Việt Nam rất cao. Do vậy, Chính phủ không thể tăng chi tiêu từ NS, mà tập trung điều chỉnh ưu tiên cho hoạt động đầu tư của Chính phủ dành cho các dự án trong nước, tạo việc làm và khuyến khích sản xuất trong nước, xuất khẩu. Cần chú ý kích thích tiêu dùng. Hiện gói HTLS của Chính phủ dường như chỉ chú trọng đến kích thích cầu sản xuất". (TS Hoàng Huy Hà - Phó TGĐ BIDV)
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com