Ủy ban Kinh tế đề nghị không đưa giá năng lượng và lương thực vào rổ hàng hóa tính CPI - Ảnh: Viêt Tuấn. |
Thống nhất về mục mục tiêu tổng quát song cả hệ thống chỉ tiêu cùng khá nhiều chỉ tiêu cụ thể về kinh tế trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011 - 2015 đã có sự khác biệt đáng kể giữa đề nghị của Chính phủ và quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Với lý giải đề chủ động trong lãnh đạo và chỉ đạo điều hành, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng kinh tế trong 5 năm với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5%/năm (kịch bản 1) và khoảng 7%/năm (kịch bản 2).
Chọn GDP ở mức cao hơn
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 1/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ chọn kịch bản tăng trưởng 7% và các cân đối lớn tương ứng để phấn đấu đạt mục tiêu Đại hội XI đề ra.
Ở kịch bản này, GDP năm 2011 ước tăng 5,8 -6%, năm 2012 tăng 6,5%, các năm 2013 – 2015 có thể tăng cao hơn để bình quân 5 năm có thể tăng khoảng 7%.
Bên cạnh chỉ tiêu này, các chỉ tiêu khác được cơ quan thẩm tra tán thành theo đề nghị của Chính phủ là: tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 35% GDP; số lao động được tạo việc làm 7,94 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm với 62 huyện nghèo.
Các chỉ tiêu tuyển sinh mới chính quy đại học, cao đẳng tăng bình quân khoảng 6-7%/năm; tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 8%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế 55%; tỷ lệ che phủ rừng là 42-43% cũng nhận đước sự đồng thuận của cơ quan thẩm tra.
CPI năm 2015 phải dưới 5%
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đã không “gật đầu” với các chỉ tiêu CPI, nhập siêu và dư nợ công.
Với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu đạt dưới 7%. Còn với Ủy ban Kinh tế, con số này sẽ phải dưới 5% vào năm 2015 với lộ trình giảm dần từ mức 1 con số ở năm 2012, 2013 – 2014 dưới 6%.
Cũng đề nghị thấp hơn là chỉ tiêu về nợ. Cơ quan thẩm tra chủ trì thẩm tra đưa ra con số nợ Chính phủ không vượt quá 50% GDP và nợ công không quá 60% GDP, đều thấp hơn 5% so với đề nghị của Chính phủ.
Được đề nghị giảm đến hơn một nửa là con số nhập siêu. Chỉ tiêu của Chính phủ là kiểm soát nhập siêu đến 2015 khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu, còn theo Ủy ban Kinh tế thì kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu và không quá 5 tỷ USD vào năm 2015, tiến tới cân bằng kim ngạch xuất, nhập khẩu trước năm 2020.
Ở chỉ tiêu bội chi ngân sách Nhà nước, Ủy ban đề nghị tính theo thông lệ quốc tế và phấn đấu dưới 5% vào năm cuối kế hoạch. Chính phủ xác định giảm mức bội chi xuống 4,5% GDP năm 2015 (không đề cập cách tính theo thông lệ quốc tế).
Đáng chú ý, một số chỉ tiêu kinh tế được dự kiến trong kế hoạch 5 năm của Chính phủ đã không xuất hiện trong báo cáo thẩm tra. Như yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đến 2015 ít nhất là 30%.
Hay giảm tiêu tốn năng lượng tính trên GDP 2,5 – 3%/năm, năng suất lao động xã hội đến 2015 tăng 32% so với năm 2010; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân 5 năm đạt khoảng 13 – 14%/năm.
Một số chỉ tiêu về xã hội cũng không được đề cập tại báo cáo thẩm tra, như thu nhập thực tế của dân cư đến 2015 gấp 2 – 2,5 lần so với năm 2010. Tỷ lệ lao động thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị đến năm 2015 dưới 4%...
Liên quan đến sự khác nhau này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, hệ thống chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường 5 năm và hàng năm nên được phân thành hai nhóm, đó là nhóm chỉ tiêu bắt buộc và nhóm chỉ tiêu định hướng.
Về lĩnh vực kinh tế thì trong kế hoạch hàng năm chỉ nên tập trung vào các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô là: tốc độ tăng trưởng kinh tế; chỉ số giá tiêu dùng (cho phép Chính phủ tính toán và công bố chỉ số lạm phát theo thông lệ quốc tế, không đưa giá năng lượng và lương thực vào rổ hàng hóa tính CPI); kim ngạch xuất khẩu, nhập siêu, bội chi ngân sách, huy động vào ngân sách và trần nợ công.
Đối với các chỉ tiêu xã hội và môi trường, đề nghị quyết định các chỉ tiêu: tạo việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp, tuyển sinh mới chính quy đại học, cao đẳng; giảm tỉ lệ hộ nghèo; tỷ lệ lao động qua đào tạo và chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng.
Tăng trưởng tín dụng không quá 3 lần tăng GDP
Trong số các giải pháp trọng tâm được Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tập trung thực hiện trong kế hoạch 5 năm đã xuất hiện một vài con số đáng chú ý. Như, điều chỉnh mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống khoảng 20%, tăng thu kinh doanh bất động sản.
Mục tiêu hàng đầu được nhấn mạnh đối với chính sách tiền tệ giai đoạn này là ổn định giá trị sức mua của đồng tiền, điều hành tăng trưởng tín dụng không quá 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm. Kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán tương thích với tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng giữ ở mức thấp để kiềm chế tăng CPI.
Để góp phần giảm chênh lệch tiết kiệm – đầu tư và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cơ quan thẩm tra đề nghị phát động phong trào tiết kiệm trong cả sản xuất và tiêu dùng.
Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các khâu đột phá chiến lược, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Xây dựng lộ trình giá thị trường đối với xăng, dầu, điện, than…. Kết thúc chậm nhất trong năm 2013.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com