Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

"Thoát hiểm" do được hỗ trợ lãi suất

Theo đánh giá ban đầu của ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất (HTLS) đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 9/2009, dư nợ cho vay HTLS đạt trên 396.000 tỷ đồng, trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm 90% dư nợ HTLS của khối ngân hàng thương mại và công ty tài chính.

"Dư nợ cho vay HTLS đến cuối năm 2009 của khối ngân hàng thương mại và công ty tài chính ước đạt khoảng 600.000 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển số tiền hỗ trợ cho các tổ chức cho vay vào khoảng 10.000 tỷ đồng (hiện đã chuyển khoảng 3.000 tỷ đồng); còn lại sẽ tiếp tục chuyển cho các tổ chức trong năm 2010 và 2011 để HTLS cho các khoản vay trung và dài hạn đã giải ngân trong năm 2009", Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, gói kích cầu HTLS không chỉ tác động rất lớn tới hệ thống ngân hàng, cộng đồng DN, mà còn tác động rất lớn đến cả nền kinh tế. Theo ông Sỹ, cuối năm 2008, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có ít nhất 13 DN cỡ lớn chuẩn bị thu hẹp sản xuất, 3 DN khác đứng trên bờ vực phá sản; toàn tỉnh dự tính sẽ có khoảng 7.000 lao động bị mất việc do hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN gặp khó khăn. Nhưng sau khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các DN này không những tiếp tục duy trì hoạt động, mà còn nỗ lực mở rộng sản xuất và thu hút thêm nhiều lao động.

Công ty Ô tô Trường Hải là một trong những ví dụ điển hình. Quý I/2009, Trường Hải tồn đọng khoảng 5.000 xe ô tô, nhưng sau khi được HTLS, Công ty đã đẩy mạnh bán sản phẩm, phục hồi sản xuất và đang trên đà phát triển. "Từ chỗ không có khả năng nộp thuế do kinh doanh thua lỗ, đến nay, Trường Hải đã nộp trên 120 tỷ đồng tiền thuế. Nhiều DN khác ở Quảng Nam được HTLS cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự, nên mặc dù kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, nhưng nhiều khả năng năm nay, tỉnh sẽ vượt thu ngân sách", ông Sỹ thông báo.

"Chính sách cho vay HTLS đã góp phần 'cứu nguy' kịp thời cho cả hệ thống ngân hàng, cộng đồng DN và toàn bộ nền kinh tế", ông Lê Đình Khanh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận định. Cụ thể, theo kết quả giám sát của ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thì sau khi được HTLS, chỉ có 14,3% số DN không giảm được giá thành sản phẩm, trong khi có tới trên 57% số DN giảm được giá thành sản phẩm ở mức dưới 5%, 9,5% số DN giảm được giá thành từ 5% đến 10% và 3,2% số DN giảm được giá thành trên 10%.

Kết quả cụ thể của gói kích cầu HTLS, theo ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đang chuyển biến tích cực và có dấu hiệu phục hồi rõ nét (GDP quý III tăng 5,5%, cao hơn mức 4,5% của quý II và mức 3% trong quý I).

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, HTLS chủ yếu thực hiện đối với cho vay ngắn hạn, giúp DN tạm thời giải quyết được nguồn vốn lưu động, chứ chưa tác động nhiều đến chuyển dịch cơ cấu kinh doanh. Tuy nhiên, ông Nhã cho biết, kết quả khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, cơ chế này đã góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và có tác động nhất định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang tính cục bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp chế biến, cơ khí vừa và nhỏ.

Vẫn theo ông Nhã, ngoài những kết quả trên, có nhiều kết quả khác không thể cân, đo, đong, đếm được. Cụ thể, cơ chế này đạo tạo ra cơ sở để chính sách tiền tệ được thực thi nới lỏng một cách linh hoạt, thận trọng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại duy trì ổn định hoạt động tín dụng với mức lãi suất kinh doanh hợp lý, tạo động lực tăng trưởng tín dụng, góp phần ngăn chặn có hiệu quả đà suy giảm kinh tế.

Đối với hệ thống ngân hàng, theo ông Nguyễn Đồng Tiến, cơ chế HTLS đã mang lại những tác động rất tích cực cho hoạt động của cả hệ thống, như giữ được khách hàng truyền thống, thu hút thêm khách hàng mới, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng, đẩy nhanh vòng quay vốn, nhờ đó hiệu quả của ngân hàng cũng được nâng lên và đặc biệt là giảm đáng kể được tỷ lệ nợ xấu.

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy, tất cả các ngân hàng đều có lãi, nhiều ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế hàng trăm tỷ đồng, trong đó có không ít ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế của cả năm 2009. Với kết quả này, đóng góp của hệ thống ngân hàng vào ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2008, góp phần rất lớn vào tổng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh số thu từ hầu hết các ngành hàng, lĩnh vực bị sụt giảm.

 

 

(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư )

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!