Trung tâm Trợ giúp khẩn cấp toàn cầu của Công ty CP Bảo hiểm AAA. |
Bộ Tài chính cho biết, năm 2009, ngành bảo hiểm (BH) đã đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 69.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang được các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm "rót" vào những kênh đầu tư có độ an toàn cao. Đây là sự lựa chọn phù hợp trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, song cơ cấu đầu tư này sẽ không còn phù hợp khi nền kinh tế phục hồi.
Để thu hút hiệu quả nguồn vốn của các DNBH, Bộ Tài chính đang nghiên cứu cơ chế khuyến khích DN huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhằm tận dụng nguồn tài chính nói trên cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng cao, phí BH giảm, trong khi chi phí bồi thường có xu hướng tăng, lợi nhuận của DNBH ngày càng giảm, vì vậy hoạt động đầu tư trở thành nguồn thu chính của đa số các DNBH. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện danh mục đầu tư của các DNBH chỉ tập trung vào một vài sản phẩm tài chính nhất định. Theo quy định tại Luật Kinh doanh BH, DNBH được phép đầu tư vốn vào các lĩnh vực mua trái phiếu chính phủ, cổ phiếu, trái phiếu DN; kinh doanh bất động sản; góp vốn vào các DN khác; cho vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Thống kê sơ bộ cho thấy, khoảng 60% phí BH đã được DNBH đầu tư vào trái phiếu, 22% dưới dạng tiền gửi, phần còn lại phân bổ cho đầu tư vào thị trường vốn, bất động sản và các lĩnh vực khác. Đại diện một DNBH nhân thọ cho biết, gần 90% số tiền phí BH được DN đầu tư vào trái phiếu chính phủ và gửi tại các tổ chức tín dụng. Hai kênh đầu tư này được đa số DNBH, nhất là các DNBH nhân thọ lựa chọn nhằm bảo đảm tính an toàn của nguồn vốn và khả năng chi trả cho khách hàng. Danh mục đầu tư hiện tại đã đem lại thu nhập ổn định, an toàn cho DNBH trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều bất ổn. Nhưng khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính cải thiện, nếu tiếp tục duy trì cơ cấu đầu tư này sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của các DNBH do tỷ suất lợi nhuận thu được thấp. Vì thế, khi được đầu tư đúng địa chỉ, nguồn vốn thu được từ tiền phí BH sẽ sinh lời và đóng góp hữu ích cho xã hội.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2009, ngành BH đã đầu tư bổ sung cho nền kinh tế khoảng 69.000 tỷ đồng (tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2008). Nguồn vốn đầu tư này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng lợi nhuận cho các DNBH, mà còn khiến nguồn bảo tức của khách hàng mua BH trở nên dồi dào hơn. Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia tài chính, doanh thu từ hoạt động đầu tư của các DNBH hiện còn chưa tương xứng so với tiềm năng. Năm 2009, hoạt động đầu tư của các DNBH ước đạt doanh thu 6.016 tỷ đồng; trong đó DNBH phi nhân thọ đạt 1.350 tỷ đồng, DNBH nhân thọ đạt 4.666 tỷ đồng. Để thu hút dòng vốn của DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế, Bộ Tài chính đang hoàn thiện chính sách phát triển và sắp xếp các DNBH theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; từng bước mở rộng phạm vi hoạt động ra thị trường quốc tế. Bộ Tài chính cũng khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước góp vốn tham gia hoạt động kinh doanh BH dưới hình thức công ty cổ phần; thành lập tổ chức BH trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản... Trong năm 2010, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích DNBH huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đặt mục tiêu duy trì mức tăng trưởng của thị trường BH đạt12-13%/năm; doanh thu phí BH đạt 28.000 tỷ đồng, doanh thu hoạt động đầu tư của các DNBH đạt 7.000 tỷ đồng.
Được biết, một số tập đoàn BH lớn trên thế giới đã và đang thu lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động đầu tư, chứ không phải từ kinh doanh BH đơn thuần. Do đó, việc các DNBH Việt Nam đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư không chỉ cung cấp thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp nâng cao nguồn lợi tức cho khách hàng tham gia mua BH hiện nay.
(Theo Hương Ly/HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com