Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tín dụng tăng nóng, ngân hàng căng thẳng

Ngân hàng Nhà nước không thể gánh vác nhiệm vụ ổn định tỉ giá, cần có sự tham gia của các bộ liên quan thông qua việc giảm quy mô nhập siêu từ ngân sách Nhà nước, điều tiết hoạt động sản xuất trong nước và xuất khẩu
 

Tại hội thảo Giải pháp tài chính – tiền tệ đối với nền kinh tế VN sau thời kỳ suy giảm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Viện Kinh tế VN tổ chức ngày 10-11 ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đã cảnh báo những rủi ro có thể gặp phải khi chính sách tài chính tiền tệ đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng.

Thiếu vốn trung và dài hạn

Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN, cho biết hệ thống ngân hàng đang hết sức căng thẳng do tác động của hàng loạt mâu thuẫn trong chính sách tài chính, tiền tệ. Các mâu thuẫn được bà Hương chỉ ra là Chính phủ chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nhưng lại quyết định hỗ trợ lãi suất, tức là không chấp nhận sàng lọc doanh nghiệp. Kinh tế vĩ mô mất ổn định, thể hiện ở cán cân thương mại, cán cân vãng lai, bội chi ngân sách 10%, kể cả phát hành trái phiếu. Tăng trưởng tín dụng cả năm có thể lên đến 40%, khó kiểm soát.

Trong bối cảnh này, việc quyết định tiếp tục tung ra một gói kích cầu (thực ra là kéo dài thời gian kích cầu) cho thấy Chính phủ tiếp tục ưu tiên mục tiêu tăng trưởng. “Lãi suất đứng kịch trần, không tăng, không giảm được, sức ép tỉ giá căng thẳng kéo dài cho thấy đang có bất ổn về chính sách.

Tăng trưởng tín dụng không kiểm soát được do các ngân hàng buộc phải tăng tín dụng để cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS). Trong thời gian tới, tiếp tục HTLS sẽ là giọt nước làm tràn ly” - bà Hương cảnh báo. Đại diện một ngân hàng chia sẻ trước đây, vốn trung và dài hạn chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng này nhưng hiện nay đã tăng lên 20%, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 40% tổng dư nợ cho vay.

Hiện nay, huy động vốn trung và dài hạn rất khó vì lãi suất không thể tăng vượt trần, người dân chưa đủ niềm tin gửi dài hạn. Nếu thực hiện gói HTLS thứ hai, áp lực này càng tăng lên.


PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đánh giá dự báo lạm phát 7% trong năm 2010 là thiếu chính xác vì tín dụng đang tăng trưởng nóng, mặt bằng giá thế giới cũng đang tăng. Cần phải có dự báo nghiêm túc về lạm phát để có chính sách tài chính, tiền tệ phù hợp.

Sức ép lớn về tỉ giá

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định vấn đề lớn của năm 2009 không phải lạm phát mà là tỉ giá hối đoái. Ông Ánh phân tích: Khủng hoảng đang tác động đến cán cân thanh toán. Trong khi đó, thặng dư tài khoản vốn của chúng ta không thể tài trợ được nên cán cân tổng thể bị thâm hụt, tác động trực tiếp lên tỉ giá hối đoái.

Khả năng mất giá của đồng VN rất lớn và luôn chịu sức ép. Tình trạng này sẽ kéo dài từ nay đến đầu năm sau, gây khó khăn cho VN về xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. “NHNN đã có các biện pháp điều chỉnh tỉ giá hối đoái bằng cả hai cách: Tung nguồn dự trữ ngoại hối để cân đối và điều chỉnh biên độ nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thị trường tự do và thị trường chính thức.
 
Tuy nhiên, thị trường tự do có lúc tăng vọt lên đến 19.000 đồng/USD cho thấy cung - cầu ngoại hối có vấn đề”. Theo ông Ánh, chỉ NHNN không thể gánh vác nhiệm vụ ổn định tỉgiá, cần có sự tham gia của các bộ liên quan thông qua việc giảm quy mô nhập siêu từ ngân sách Nhà nước, điều tiết hoạt động sản xuất trong nước và xuất khẩu...

Hiện nay, các ngân hàng đang tăng lãi suất huy động USD để thu hút ngoại tệ trôi nổi. Nhưng động thái này kết hợp với việc cho vay HTLS có thể xảy ra tình trạng nhà đầu tư vay nội tệ rẻ để mua ngoại tệ kiếm lời, làm nóng thị trường tự do và tạo áp lực “trong thừa, ngoài thiếu”.

Cùng quan điểm này, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng áp lực tỉ giá rất gay gắt, chỉ điều nới biên độ như hiện nay không thể coi là một chính sách tỉ giá linh hoạt mà phải xem lại tương quan xuất nhập khẩu.

(Theo Phương Anh // Nguoilaodong Online)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!