Sản xuất công nghệ kỹ thuật cao vẫn là ưu tiên trong thu hút đầu tư vốn FDI của TPHCM. Ảnh: Quốc Hùng |
Năm nay, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào TPHCM giảm mạnh, tính cả dự án được cấp phép mới và dự án tăng thêm vốn, chỉ đạt hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ, giảm 86% so với năm 2008.
Theo báo cáo sơ bộ mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong số này có 369 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký khoảng 840 triệu đô la Mỹ, giảm gần 90% về vốn và giảm gần 28% về số dự án. Nếu như năm 2008, hàng loạt dự án quy mô lớn được cấp phép như 2 dự án có tổng vốn đăng ký 4,43 tỉ đô la Mỹ của Tập đoàn bất động sản Berjaya (Malaysia) để phát triển Khu đô thị - Đại học quốc tế Berjaya - VIUT tại huyện Hóc Môn và Khu đô thị Tây Bắc TPHCM và dự án xây dựng trung tâm tài chính tại khu du lịch Kỳ Hòa, thì năm nay dự án có vốn đăng ký cao nhất chỉ dừng lại 294 triệu đô la Mỹ, cũng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Công ty Việt Liên Luks (British Virgin Islands).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm ngoái việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào thành phố tăng đột biến ngoài hai dự án của Berjaya, còn có các dự án khác như liên doanh SaigonTel - Teco phát triển Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm, quận 2 (vốn đăng ký 1,2 tỉ đô la); hay dự án Khu Y tế kỹ thuật cao (400 triệu đô la Mỹ) của Công ty dịch vụ Hoa Lâm (Việt Nam) và Shangri - La Healthcare Investment Pte.Ltd (Singapore)… Những dự án này đã chiếm trên 7 tỉ đô la Mỹ trong tổng vốn đầu tư vào thành phố năm ngoái.
Với tình hình suy thoái tài chính và kinh tế thế giới, các tập đoàn đầu tư, các công ty đa quốc gia đã ngưng hoặc cắt toàn bộ các dự án đầu tư ra bên ngoài, và thành phố đạt được kết quả như trên cũng là tình hình chung trong việc thu hút vốn đầu tư của cả nước và thế giới.
Mặc dù nguồn vốn của các dự án mới đổ vào TPHCM giảm mạnh, nhưng những doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tăng vốn mở rộng đầu tư, với nguồn vốn tăng cao.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2009 có đến 114 doanh nghiệp tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm đạt trên 370 triệu đô la, tăng 3,4% so với năm ngoái. Điều này chứng tỏ mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động vẫn tăng vốn mở rộng đầu tư, một tin hiệu cho thấy môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng.
Cụ thể như Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã tăng thêm 11,2 triệu đô la Mỹ để xây nhà xưởng sản xuất các sản phẩm chăm sóc gia đình tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi; Công ty Nidec Tosok Việt Nam tăng thêm hơn 23,7 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư của công ty lên gần 110 triệu đô la Mỹ; Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) vừa công bố sẽ nâng tổng công suất từ 230 triệu lên 280 triệu lít /năm, sau khi lắp đặt thêm cho nhà máy ở Hốc Môn (TPHCM) một dây chuyền chiết lon lớn nhất và nhanh nhất Việt Nam trị giá 21 triệu đô la Mỹ...
Các chuyên gia đánh giá rằng trong bối cảnh khó khăn về thu hút đầu tư nước ngoài như hiện nay nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng vốn mở rộng đầu tư cho thấy tình hình thu hút đầu tư vào thành phố vẫn còn nhiều điểm sáng. Thành công của các doanh nghiệp đang hoạt động này sẽ tiếp tục góp phần quảng bá thiết thực đến các nhà đầu tư nước ngoài mới khác đang có ý định làm ăn với Việt Nam.
(Theo Quốc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com